Theo báo cáo về tình hình KT-XH năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 của UBND TP để đạt được Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013, UBND TP đã xác định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành năm 2013. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác, thực hiện Kế hoạch tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, và các kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản cũng được chú trọng triển khai. Tiếp tục tổ chức rà soát, phân loại dự án bất động sản (tạm dừng, điều chỉnh cơ cấu, loại hình), quĩ nhà 30%, 50% của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn có khả năng hoàn thành trong năm 2013 và các năm 2014, 2015 để mua lại sử dụng làm quĩ nhà tái định cư, đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ vốn vay mua nhà (đến nay đã giải ngân được 84,3 tỷ đồng cho 201 khách hàng)...
Năm 2013, tổng sản phẩm trên địa bàn TP tăng 8,25% - đạt kế hoạch đề ra là từ 8,0-8,5% và bằng 1,53 lần mức tăng chung của cả nước; trong đó, dịch vụ tăng 9,42%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,56% và nông nghiệp tăng 2,46%; tăng trưởng công nghiệp ước đạt 7,49% (năm 2012 là 8,06%); chỉ số sản xuất CN ước tăng 4,4-4,6% (năm 2012 là 5,1%). Các hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng xã hội vẫn tăng trưởng, tuy nhiên, mức độ sôi động kém hơn năm 2012. Tổng mức bán ra tăng 13,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,2% (năm 2012 tăng 5,3%, kế hoạch năm 2013 tăng 9-10%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 3,7%... Dự kiến đến hết năm 2013 sẽ có 48 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đẩy mạnh tiến độ dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn. Diện tích dồn điền đổi thửa đạt 41.062ha... Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP ước đạt 136.767 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán, trong đó, thu ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu NSNN theo phân cấp tính trong cân đối là 45.102 tỷ đồng, đạt 79,2% dự toán, giảm 11.823 tỷ đồng so với dự toán đầu năm. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 56.217 tỷ đồng. Nhìn chung, với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì ổn định, có mức tăng trưởng cao hơn, lạm phát được kiềm chế thấp hơn năm 2012. Lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng đã có chuyển biến tích cực. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh được triển khai quyết liệt thường xuyên trên nhiều lĩnh vực; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế đạt kết quả tốt; công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường; nông nghiệp và hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư phát triển. Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí được tăng cường, CCHC được triển khai quyết liệt; An ninh chính trị được giữ vững, hoạt động đối ngoại được quan tâm và mở rộng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế xã hội Thủ đô còn một số tồn tại, hạn chế: Về kinh tế,sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn; kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư xã hội không đạt kế hoạch. Thị trường bất động sản tuy có chuyển biến, song còn chậm. Thu ngân sách không đạt dự toán. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được khắc phục, nhất là trên địa bàn các huyện. Sự phối hợp quản lý các khu đô thị (sau đầu tư) còn bất cập, đặc biệt là việc quản lý các khu nhà tái định cư phục vụ di dân GPMB. Các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số khu, cụm công nghiệp là vấn đề bức xúc, chưa có giải pháp và vốn xử lý dứt điểm. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại vẫn còn hạn chế, rác thải tồn đọng tại các khu vực ngoại thành cần tập trung hơn. Đặc biệt, công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân còn hạn chế, và quản lý nhà nước của ngành y tế còn để xảy ra một số vụ việc phức tạp; khiếu kiện đông người tăng cả về số đơn, lượt người và đoàn đông người; cả về tính chất phức tạp, đa dạng và thành phần... Nguyên nhân chủ quan của những tồn tại và hạn chế trên do trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực trong giải quyết công việc chưa thực sự quyết liệt, còn trì trệ, thiếu năng động sáng tạo; cách thức triển khai giải quyết các vấn đề “nóng”, nhạy cảm, bức xúc còn dè chừng hoặc có làm nhưng chưa được nhìn nhận thẳng thắn, không có đánh giá sâu về vấn đề đã xảy ra và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong giai đoạn trước mắt cũng như lộ trình dài hạn; sự phối kết hợp của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong một số công việc còn chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Công tác dự báo còn chưa được quan tâm đúng mức; việc xử lý công việc mang tính chất tức thời, vai trò chủ trì của một số cơ quan theo chức năng nhiệm vụ chưa thực sự chủ động, hiệu quả... Năm 2014, UBND TP tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học, y tế. Bảo đảm an ninh, quốc phòng thường xuyên và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục cải cách hành chính và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng từ 8,5-9,0%; trong đó, dịch vụ tăng từ 9,4-9,8%, công nghiệp và xây dựng tăng từ 8,0-8,8% và nông nghiệp tăng từ 2,0-2,5%... Chiều nay, các đại biểu HĐND TP sẽ thảo luận ở tổ về báo cáo này. >> Báo cáo hoạt động chỉ đạo, điều hành năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của UBND TP
Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hà Nội khóa XIV |