Tiếp theo chương trình làm việc, sáng nay (3/12), HĐND TP Hà Nội, đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của TP Hà Nội. Nhìn chung, đa số đại biểu đồng tình với báo cáo do UBND TP trình bày, đồng thời góp ý vào một số chỉ tiêu và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế TP Hà Nội.
“Đề nghị TP đưa thêm một chỉ tiêu là 100% các đơn vị, các ngành áp dụng khoa học kỹ thuật, trong đó áp dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất. Đối với lĩnh vực giáo dục, TP cần chỉ đạo ngành giáo dục-đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý” - Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tùng Lâm (tổ Đống Đa).
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Nguyên Quân (tổ Thanh Oai) cho rằng, đối với nhiệm vụ trọng tâm “Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ngoài giải pháp về giãn hoãn thuế cho doanh nghiệp (DN), tổ chức các hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, còn cần có một số giải pháp hiệu quả chưa cao như: Thực hiện gói 3.000 tỷ đồng của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Cũng theo đại biểu Quân, nhóm giải pháp cho năm 2014, cần phải tăng cường công tác rà soát phân loại các dự án đất đai trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để từ đó TP quản lý chặt hơn; bổ sung nội dung nâng cao chất lượng hoạt động điều tra truy tố, xét xử và các cơ quan tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, gắn với hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; bổ sung nội dung thực hiện chương trình giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP…
Liên quan đến hệ thống chỉ tiêu số 14 về “Số tổ dân phố (cụm dân cư, khối phố, khu phố) được công nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa", "Cụm dân cư văn hóa", "Khối phố văn hóa", "Khu phố văn hóa": 64,5%”, ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng) cho rằng: “Theo quy định của Chính phủ và Nghị quyết của Thành ủy HN, dưới phường, xã có thôn, làng, tổ dân phố chứ không có cụm dân cư hay các khái niệm khác nên phải chuẩn nội dung này”. Ngoài ra, ông Nam cũng cho biết, đối với giải pháp chống lãng phí phải làm rõ trong quản lý sử dụng đất đai, triển khai các dự án chưa hiệu quả.
Theo ĐB Vũ Cao Minh (tổ Thanh Xuân), trong năm 2014, TP cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để xử lý các doanh nghiệp nợ đọng, chây ì. Riêng quận Thanh Xuân chỉ thu được 147 tỷ/465 tỷ đồng, bằng 31%. “Về nhà tái định cư, rất đáng lo ngại về chất lượng và bố trí manh mún, không hợp lý. Ngoài ra, giá nhà cao, nhiều hộ nhận tiền bồi thường không đủ mua nhà tái định cư” - đại biểu Minh cho biết.
Trước đó, trong buổi thảo luận tại 6 tổ vào chiều qua (2/12), đã có 51 đại biểu đóng góp ý kiến. Trong đó, đa số đại biểu căn bản đồng tình với báo cáo của UBND TP, đánh giá cao những nỗ lực cố gắng mà TP đã đạt được về KT-XH, an ninh quốc phòng, đặc biệt nhấn mạnh đến những kết quả nổi bật TP đã đạt được như GDP đạt 8,25%; TP triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới, giữ trật tự an toàn xã hội…
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn và đề nghị cần thảo luận và giải trình rõ hơn, làm sâu sắc hơn các nhận định, đánh giá và có căn cứ cho việc đề ra các giải pháp phát triển KT-XH của Thủ đô trong năm 2014; Phân tích sâu hơn những nguyên nhân hạn chế nêu trong báo cáo.
Ngoài ra, có nhiều ĐB yêu cầu phải đánh giá kỹ hơn và có biện pháp tăng cường quản lý, chấn chỉnh ngành y tế; TP phải chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết đất chính sách dịch vụ và đất để hoang hóa.
Tiếp thu và giải trình một số ý kiến, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, nếu năm 2013 là năm kỷ cương hành chính thì UBND TP xác định 2014 là năm trật tự và văn minh đô thị. Đây sẽ là khâu đột phá, là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng. Ngoài ra, thành viên UBND TP cũng giải trình thêm chỉ tiêu về số xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng thêm: 03 đơn vị và một số nội dung khác.
Tại Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014 của TP Hà Nội, đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, cụ thể như sau: Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; Kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội; Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực xã hội; Tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, đô thị; quản lý tài nguyên và cải thiện chất lượng môi trường; Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Tăng cường phòng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tiết kiệm.
Kết thúc phần thảo luận, HĐND TP đã tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của TP Hà Nội với tỷ lệ 86,3% đại biểu tán thành.
Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
* Cuối buổi làm việc sáng 3/12, HĐND TP đã xem xét và thông qua Nghị quyết về dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước nưm 2014 của TP Hà Nội. Dự thảo Nghị quyết này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu (ĐB).
ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) băn khoăn về căn cứ pháp lý của việc bố trí vốn 100% cho một số DN, đơn vị TƯ trên địa bàn để nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng KHCN. “Mặc dù chúng ta phải huy động, thu hút chất xám nhưng bố trí 100% vốn ngân sách thì cần thiết phải xem thêm để sử dụng đúng hiệu quả. Các đơn vị trên địa bàn thuộc các bộ, hiêp hội đều có kênh sử dụng vốn từ TƯ” - ĐB Mai cho biết.
Đồng tình với ĐB Mai, ĐB Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) cho rằng, các khoản chi cho lĩnh vực KHCN phải đánh giá được mỗi đề tài khoa học được áp dụng đem lại hiệu quả như thế nào. “Trong báo cáo về danh mục 8 dự án được bố trí vốn trong năm 2014 của UBND TP đề nghị cân nhắc thêm dự án về tăng cường năng lực phòng thí nghiệm và tăng cường trang thiết bị máy móc, thiết bị quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội.
Trong nợ xây dựng cơ bản và đầu tư cho các công trình trọng điểm, ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm) cho biết: “Nghị quyết của kỳ họp thứ 7 HĐND TP có đưa ra nhiệm vụ thực hiện xử lý triệt để nợ xây dựng theo chỉ thị của CP. Tuy nhiên, đầu năm 2013 chúng ta nợ hơn 2.000 tỷ, đến hết tháng 6/2013 chúng ta nợ hơn 3.000 tỷ và báo cáo giải trình chưa có con số nợ tổng kết của cả năm 2013. Vậy đề nghị rà soát năm 2013 sẽ nợ xây dựng cơ bản là bao nhiêu!?
Liên quan đến phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô và phương thức để phát hành trong năm 2013 và giai đoạn 2014-2015 ĐB Nguyễn Thị Mai Sương (tổ Đông Anh) cho biết: “Thứ nhất, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô cần tập trung vào một hoặc hai dự án trọng điểm để HĐND TP giám sát và sử dụng vốn đó một cách hiệu quả. Phát hành trái phiếu Thủ đô không phải là vốn ngân sách cấp mà là vay vốn từ xã hội, từ DN, từ người dân nên TP cần phải cân đối lãi suất cho hợp lý, hiệu quả. Có như thế, khi người dân sử dụng dự án đó mới thấy phấn khởi vì công trình đó do công sức của nhân dân Thủ đô đóng góp.
Thứ hai, phát hành trải phiếu có dự án chính để giám sát chứ không giàn trải, hòa vào tổng vốn đầu tư chung của TP. Khi phát hành trái phiếu cần phải được tuyên truyền rộng rãi cho người dân, DN, các tỉnh, TP khác để kêu gọi trách nhiệm chung của toàn dân trước sự phát triển của thủ đô HN chứ ko bó hẹp vào một số tổ chức tín dụng”.
Kết thúc thảo luận, Nghị quyết dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014 của TP Hà Nội được thông qua với tỷ lệ 85,3% đại biểu tán thành.
Trước đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước TP Hà Nội năm 2012, với tỉ lệ 85,3% đại biểu đồng ý.
ĐB Phùng Thị Hồng Hà (tổ Ứng Hòa) phát biểu ý kiến.
|
ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng).
|
Một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2014
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn: 8,5-9,0%; trong đó, dịch vụ 9,4-9,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,0-8,8%, nông nghiệp tăng 2,0-2,5%;2. GRDP bình quân đầu người: 57,5-58,0 triệu đồng. 3. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn: 12,0-13,0%; 4. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa: 6,0-7,0%; 5. Thu ngân sách: 126.214 tỷ đồng; Chi ngân sách: 46.489 tỷ đồng. 6. Giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước: 0,15%o; 7. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,3%; 8. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: 0,3%; 9. Số xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng thêm: 03 đơn vị; 10. Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước: 0,8%; 11. Tỷ lệ thất nghiệp: thấp hơn 4,8%; 12. Số hộ dân cư được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa": 84,5%; 13. Số làng (thôn) được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa": 54,5%; 14.Số Tổ dân phố (Cụm dân cư, Khối phố, Khu phố) được công nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa", "Cụm dân cư văn hóa", "Khối phố văn hóa", "Khu phố văn hóa": 64,5%; 15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 100; 16. Tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch: 100%; 17. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch: 37,5%; 18. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh: 93,5%; 19. Số xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 62 xã; 20. Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp lần đầu): Cấp cho tổ chức 2.000 giấy; cấp cho hộ gia đình và cá nhân: 40.000 giấy; 21. Tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày: Khu vực đô thị: 98%; Khu vực nông thôn: 87%; 22. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%; 23. Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: Đối với CCN xây dựng mới: 100%; đối với CCN đã đi vào hoạt động: 20%. |
Chủ tọa kỳ họp thứ 8 HĐND TP Hà Nội |