Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2016 có hết cảnh bạo lực lễ hội?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực trong mùa lễ hội trước, như: chém lợn (Bắc Ninh); đập đầu trâu, cướp phết (Phú Thọ), cướp lộc thánh (Hà Nội)… đều bị lãnh đạo Bộ VHTT&DL chất vấn.

Tại Hội nghị bàn về công tác quản lý tổ chức lễ hội diễn ra chiều ngày 30/12, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mong mỏi năm 2016 không còn phải nghe đến lễ hội bạo lực, phản cảm.

Vẫn vò đầu vì… khó

17 năm được khôi phục, tục chém lợn của Lễ hội làng Ném Thượng (xã Khâm Niệm, TP Bắc Ninh) từng được thực hiện ở đằng sau sân đình. Thế nhưng, như để thách thức phản ứng dư luận, nhiều bậc cao niên làng Ném Thượng quyết liệt yêu cầu con cháu duy trì chém lợn ngay giữa sân đình. Ông Nguyễn Hữu Hòa - Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTT&DL Bắc Ninh) thừa nhận: Năm 2015, lãnh đạo tỉnh, đơn vị chuyên ngành của tỉnh… cùng rất nhiều nhà khoa học tổ chức không ít cuộc vận động, tuyên truyền. Thậm chí, riêng vấn đề quản lý lễ hội của Ném Thượng được xây dựng thành chuyên đề quản lý. Thế nhưng, “phép vua thua lệ làng”, những cảnh chém giết, nhúng máu rùng rợn vẫn diễn ra trong ngày hội của làng Ném Thượng năm 2015.
Lễ hội Ném thượng tại Bắc Ninh. 	Ảnh: Thanh Loan
Lễ hội Ném thượng tại Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Loan
Tại Hội nghị trực tuyến cho cả 3 miền diễn ra chiều 30/12, trong những ngày cận kề mùa lễ hội mới, chưa có một cán bộ quản lý của ngành văn hóa các tỉnh, TP nào dám khẳng định sẽ cấm được lễ hội bạo lực trong năm 2016. Hà Nội chưa từng bàn đến phương án cấm tổ chức màn cướp hoa tre tại Lễ hội Gióng (huyện Sóc Sơn). Bởi vì đó là dấu ấn bản sắc truyền thống rõ nhất của Lễ hội Gióng. Đại diện cho Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Hòa cũng chỉ dám hứa sẽ tăng cường thuyết phục Nhân dân tổ chức chém lợn sao cho phù hợp. “Lễ hội do dân tổ chức, nên cơ quan quản lý chỉ có thể tuyên truyền vận động” – ông Hòa khẳng định. Động thái mạnh tay nhất mà UBND tỉnh Bắc Ninh có thể áp dụng về công tác quản lý là không công nhận danh hiệu làng văn hóa của xã Khâm Niệm, kèm theo đó là cán bộ quản lý không được tăng lương và nhiều điều khoản khác.

Ban hành công cụ lành mạnh lễ hội

Có hay không việc cơ quan quản lý văn hóa đang ép người dân theo tư duy nhìn nhận đánh giá di sản của riêng mình? Bởi vì, nhiều ý kiến cho rằng, tục chém lợn, cướp phết, đập đầu trâu… đã có từ lâu đời, là một trong những yếu tố của truyền thống văn hóa. Trong tiêu chí bảo tồn di sản của UNESCO luôn tôn trọng gìn giữ những giá trị truyền thống. Ông Vũ Xuân Thành – Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho rằng: “Đó là quan niệm sai lầm. UNESCO thừa nhận sự đa dạng trong văn hóa nhưng không thừa nhận tính bạo lực. Bằng chứng là di sản đấu bò tót tại Tây Ban Nha đang đứng trên bờ vực của việc bị loại khỏi danh hiệu di sản thế giới vì để tồn tại tính bạo lực. Không phải tất cả cái gì là truyền thống văn hóa đều không thể bất biến, không có khả năng điều chỉnh cho phù hợp với xã hội đương đại”. Đồng quan điểm, đại diện cán bộ văn hóa tỉnh Quảng Nam, Lào Cai… cho biết, địa phương đang xem xét loại bỏ lễ hội đâm trâu, lễ lúa mới và một số hủ tục khác.

Để gỡ vướng cho các đơn vị quản lý văn hóa cấp dưới trước thắc mắc Nhà nước chưa từng có quy định cấm hay hạn chế lễ hội bạo lực, cuối tháng 12/2015, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL. Thông tư 15 quy định không tổ chức lễ hội có nội dung mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập bạo hành… Ông Hoàng Minh Thái – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) bày tỏ: “Tuy vấn đề cấm bạo lực lễ hội chỉ là một trong những quy định của Thông tư 15 nhưng cũng là công cụ giúp lễ hội của chúng ta lành mạnh hơn”.

Điều trăn trở nhất của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL là tại mỗi phiên họp thường kỳ của Chính phủ, mỗi kỳ chất vấn tại Quốc hội, câu chuyện bạo lực, “lỗ hổng” quản lý lễ hội luôn được xoay vần. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mong rằng, trong năm 2016 không còn phải nhắc nhiều đến bạo lực lễ hội, giới truyền thông không cần tốn hơn 200 bài báo chỉ để phản ánh những mặt trái này. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc rốt ráo, bức tranh lễ hội 2016 sẽ tốt đẹp hơn nhờ công tác quản lý, vừa trả lại những vẻ đẹp đích thực của giá trị truyền thống nhưng cũng cần phù hợp với xu thế hội nhập của xã hội đương đại.