Theo đó, tầm nhìn chiến lược của đề án là phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam có giá trị gia tăng cao, đảm bảo tính bền vững và tính cạnh tranh cao; mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng cao, thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư du lịch và thị trường khách du lịch.
Vẻ đẹp vịnh Hạ Long. |
Theo mục tiêu Đề án này đề ra, đến năm 2020, định vị rõ nét các dòng sản phẩm du lịch Việt Nam gắn với các vùng du lịch, trong đó, cùng với du lịch biển đảo, dòng sản phẩm du lịch văn hóa sẽ là những sản phẩm thương hiệu, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và nội địa. Đến 2025, 2/3 các khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia hoàn thành lập quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển. Đến năm 2030, phát triển đồng bộ 4 dòng sản phẩm du lịch Việt Nam gắn với các vùng du lịch. Hoàn thành xây dựng quy hoạch và đầu tư cho các khu vực tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Sản phẩm du lịch Việt Nam được ghi nhận trên thị trường khu vực và quốc tế. Đề án đưa ra các định hướng phát triển chủ yếu: phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương; quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch (du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị). Từng bước hình thành hệ thống khu, điểm du lịch quốc gia; khu, điểm du lịch các vùng, địa phương và các đô thị du lịch; phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch (vùng trung du miền núi Bắc Bộ gắn với sản phẩm du lịch sinh thái núi và tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số; vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc gắn với di sản thiên nhiên thế giới và nền văn minh sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ gắn với di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam; vùng duyên hải Nam Trung Bộ gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; vùng Tây Nguyên gắn với du lịch sinh thái cao nguyên đất đỏ và văn hóa dân tộc thiểu số; vùng Đông Nam Bộ gắn với du lịch đô thị, MICE và lịch sử cách mạng Việt Nam; vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn). Để thực hiện tốt những mục tiêu và định hướng phát triển sản phẩm, các nhóm giải pháp được đưa ra trong đề án: đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; cơ chế, chính sách; đẩy mạnh quản lý chất lượng sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; và đẩy mạnh thu hút thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch.