Tại hội thảo khoa học "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong giai đoạn mới: Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp" do Bộ KH&CN tổ chức sáng nay (23/12), Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá, công nghệ sinh học của Việt Nam vẫn đang trong tình trạng lạc hậu, không chỉ khi so sánh với nhiều nước trên thế giới, mà còn thua kém so với chính các quốc gia trong khu vực.
Hiện trạng ngành công nghệ sinh học của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường cũng như ứng dụng trong đời sống, không tạo ra được các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế. Đặc biệt, chưa cụ thể hóa được các chính sách, nhất là “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt từ tận năm 2008. Thứ trưởng Khánh nhận định.
Theo lãnh đạo Bộ KH&CN, Việt Nam là đất nước nông nghiệp với diện tích đất trồng trọt chiếm 80%, hơn 60% dân số tập trung ở khu vực nông thôn, chính vì vậy cần xác định công nghệ sinh học là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp - nông thôn cũng như cung cấp các sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho người dân.
Chính vì vậy, để đáp ứng được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu cũng như nâng cao hiệu quả nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cần xác định công nghệ sinh học là một ngành kinh tế kỹ thuật có đóng góp quan trọng đối với sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cần được chú trọng ưu tiên trong giai đoạn toàn cầu hóa, trong đó các lĩnh vực liên quan tới nông nghiệp, công nghiệp chế biến là trọng tâm.
Cũng như Thứ trưởng Khánh, TS Linh cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần coi công nghệ sinh học là một nền kinh tế kỹ thuật có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Một trong những mục tiêu cần đạt được là tới năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất 100 DN công nghệ sinh học hoạt động hiệu quả.
Số DN này sẽ là nhân tố chính nhằm tăng tỷ trọng công nghệ sinh học chiếm 50% giá trị gia tăng do KH&CN mang lại, phát huy mạnh hiệu quả trong y dược và nông nghiệp, từ đó tiến tới thay thế 50% - 70% các sản phẩm nhập khẩu tương tự, TS Linh kỳ vọng.
Được biết, trong thời gian tới, công nghệ sinh học sẽ là một trong những ngành khoa học được Việt Nam chú trọng đầu tư. Điều này thể hiện rõ qua Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025 vừa được Thủ tướng phê duyệt hồi cuối tháng 9/2015 vừa qua.
Theo đó, sẽ có 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia được xây dựng tại miền Bắc - Trung - Nam với đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi trung tâm sẽ có trung bình từ 200 - 500 cán bộ KH&CN làm việc nhằm tiếp thu, làm chủ và tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học.
Đi kèm với đó, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới, đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cho 10 phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trọng điểm cấp quốc gia. Đầu tư, phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trực thuộc các viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành hoặc theo vùng để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Công nghệ sinh học của Việt Nam lạc hậu ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực
|