Năm 2030, xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 16 tỷ USD

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hoá, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đó là mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg.
 Chế biến thủy sản xuất khẩu
Quan điểm phát triển là xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững; hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả…
Mục tiêu đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ cấu ngành và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế…
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 7 triệu tấn và khai thác đạt 2,8 triệu tấn. Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD (năm 2020 là 8,6 tỷ USD).
Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. xây dựng các làng cá ven biển,  đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tầm nhìn đến 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản dẫn đầu thế giới…
Các chương trình, đề án được ưu tiên thực hiện gồm: Đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; chương trình quốc gia phát triển khai thác thuỷ sản hiệu quả, bền vững; chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản; đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển; đề án phát triển chế biến và thương mại thuỷ sản; đề án phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong ngành thuỷ sản; đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thuỷ sản...