Nhiều thách thức
Theo số liệu của Bộ Công Thương đưa ra tại Hội thảo kinh tế Việt Nam năm 2013: Cơ hội và thách thức do Thời báo Kinh tế Việt Nam, tổ chức cuối tuần qua cho thấy, hiện hầu hết các thị trường xuất khẩu (XK) lớn của Việt Nam đều chưa phục hồi. Khu vực EU vẫn đang tiếp tục đối mặt khủng hoảng nợ công, tốc độ tăng trưởng của nhiều quốc gia có xu hướng chậm… Điều này sẽ gây khó khăn cho các DN XK trong việc tìm kiếm đối tác, đầu ra cho XK. Không chỉ có vậy, hiện nay, DN XK Việt Nam đang gặp khó khăn về cả đầu vào (vốn, nguyên liệu) và đầu ra của sản phẩm. Mặt khác, lượng và tốc độ tăng trưởng của nhiều mặt hàng XK chủ lực như nông sản, điện tử... đã đến ngưỡng khó có thể phát triển mạnh trong năm 2013.
Ở lĩnh vực bất động sản, dự kiến, tình hình thị trường cũng chưa có những tiến triển khả quan.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Cơ hội
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2013 vẫn có cơ hội nếu tích cực triển khai các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Các đại biểu tham dự hội thảo đều chung nhận định: Với mục tiêu kềm chế lạm phát ở mức 6 - 7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2 - 3% mà Chính phủ đã đặt ra sẽ tạo điều kiện quan trọng cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán các mục tiêu trung hạn. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 theo Đề án vừa được Chính phủ phê duyệt, DN có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng Việt Nam cũng có lợi thế về XK nhờ gói kích cầu của các nước Mỹ, EU và Nhật… Ngoài ra, Chính phủ đã có giải pháp khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất của DN như giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường, thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa; tập trung giải quyết vấn đề vốn và lãi suất… Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, hiện mức độ rủi ro trái phiếu của Việt Nam giảm nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có xu hướng quan tâm đến thị trường này. Đây là điều kiện để ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp có kế hoạch tái cơ cấu tốt, còn những DN quá "ốm yếu" sẽ không có chỗ đứng. Điều đó cho thấy, yếu tố quan trọng nhất quyết định vận mệnh của mỗi DN vẫn là nỗ lực của mỗi DN.