Nam Cường phát triển bền vững với công trình xanh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ sử dụng năng lượng tại các công trình xây dựng ở Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau lĩnh vực sản xuất công nghiệp là nhận định của các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Phát triển khu đô thị (KĐT) cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam ngày 7/3.

Đây là hội thảo do Tập đoàn Nam Cường phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch, Công ty Pananonic, IFC, SolarBK, Grundlos tổ chức nhằm mục đích định hướng phát triển KĐT xanh đạt được mức cân bằng về năng lượng Zero Energy (KĐT không tiêu tốn năng lượng) đầu tiên tại Việt Nam.

Thân thiện với môi trường

Tại hội thảo các chuyên gia đã chia sẻ giới thiệu kinh nghiệm xây dựng đô thị xanh Fujisawa Nhật Bản - dự án xây dựng khu đô thị xanh, sinh thái được thực hiện bởi Tập đoàn Panasonic và một số công ty khác với mô hình nhà ở xanh cùng giải pháp công nghệ thông minh. Hay KĐT Fujisawa xây dựng trên vị trí nhà máy cũ của Panasonic với định hướng trở thành khu đô thị sinh thái thông minh, có 1.000 nhà ở và hệ thống hạ tầng dịch vụ tiện ích (cửa hàng, bệnh viện, nhà dưỡng lão, không gian công viên cây xanh…); các giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời trong các công trình xây dựng của SolarBK; Ứng dụng hệ thống bơm tân tiến và tiết kiệm năng lượng của Công ty Grundlos…
 
Với Dự án của Nam Cường được thiết kế linh hoạt, sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; tự cân bằng lượng năng lượng tiêu thụ với khả năng sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, xử lý nước thải tự động… Bước đầu, các công trình Anland Complex, An Phú Shop-villa đều được tập đoàn định hướng xây dựng theo tiêu chuẩn chứng chỉ xanh quốc tế EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies). Đây là hệ thống chứng chỉ tự nguyện mang tính toàn cầu cho công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đưa đến những giải pháp kỹ thuật xanh, đồng thời tăng tối đa khả năng tiết kiệm năng lượng của công trình. Trong đó, Anland Complex và An Phú Shop-villa có thiết kế linh hoạt để giảm từ 20 - 27% năng lượng tiêu thụ, đồng nghĩa cư dân sẽ tiết kiệm con số tương ứng trên hóa đơn điện nước. Được biết, Tập đoàn Nam Cường đặt mục tiêu, từ nay đến năm 2020, tất cả công trình của tập đoàn đều đạt chứng chỉ EDGE, trở thành địa chỉ chia sẻ kinh nghiệm phát triển công trình xanh cho nhà đầu tư và đội ngũ thiết kế. Tập đoàn sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu trên thế giới để hoàn thành mục tiêu này.

"Với mục tiêu đặt con người làm trọng tâm, Nam Cường coi trọng trách nhiệm của mình với hàng triệu cư dân. Việc xây dựng các công trình xanh theo định hướng tăng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng sẽ tạo ra giá trị ý nghĩa cho sinh thái và xã hội" - bà Trần Thị Quỳnh Ngọc - Phó Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường khẳng định. Đồng thời cho biết, Tập đoàn Nam Cường sẽ tập trung đầu tư xây dựng những công trình mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và các tài nguyên hữu hạn khác. Định hướng phát triển bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ là mục tiêu dài hạn của tập đoàn.

Hướng tới sự bền vững

Theo ông Poul E. Kristense, chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất công nghiệp sử dụng khoảng 50% năng lượng của cả nước, tiếp theo là các công trình xây dựng với hơn 36%. Tại các công trình xây dựng, năng lượng chủ yếu sử dụng để làm mát, chiếu sáng... Hiện nay, một số dự án KĐT ở Việt Nam đã có định hướng xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, trong đó, Tập đoàn Nam Cường, chủ đầu tư KĐT Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) đang xây dựng và phát triển bền vững theo mô hình Zero Energy - KĐT cân bằng năng lượng đầu tiên ở Việt Nam. Trong đó, các tòa nhà chung cư giảm từ 20 - 27% năng lượng tiêu thụ, cùng hệ thống cung cấp nước sạch, trạm xử lý nước thải để tái sử dụng, công viên cây xanh... “Để xây dựng KĐT cân bằng năng lượng tại Việt Nam, trước hết phải giảm mức sử dụng năng lượng, giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm. Đồng thời, dần thay thế điện từ điện lưới quốc gia bằng các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời” - ông Poul nhấn mạnh.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Trần Thành Vũ, chuyên gia của Chương trình năng lượng sạch Việt Nam đề nghị, tại các KĐT nên thực hiện bắt đầu từ công trình mẫu, một nhóm nhà rồi nhân dần lên thành khu đô thị xanh. Các khu nhà cao tầng nên tính toán giảm mức sử dụng năng lượng với mục tiêu có thể giảm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng so với hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần