Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm học 2013 - 2014: Sẽ đồng bộ phương pháp học và thi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đổi mới phương pháp dạy học, có phương pháp đánh giá kết quả học tập phù hợp, khuyến khích học sinh sáng tạo… là "đích" mà ngành giáo dục cần hướng tới trong năm học 2013 - 2014.

Bước chuyển

Những "bước chuyển" trong giáo dục mầm non, phổ thông… đã được nhắc tới khá rõ nét trong Hội nghị Tổng kết năm học 2012 - 2013 mới đây của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, ngành giáo dục đã chú trọng đổi mới quản lý giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục tự chủ và chịu trách nhiệm. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên có tiến bộ. Bộ và các sở GD&ĐT tăng cường các giải pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học; tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Cùng với đó, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm cam kết khi thành lập trường, điều kiện đảm bảo chất lượng, liên kết đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh...

Năm học 2013 - 2014: Sẽ đồng bộ phương pháp học và thi - Ảnh 1

Giờ học cô và cháu trường Mầm non Thụy Hương, huyện Chương Mỹ.  Ảnh  Duy Anh

Năm học vừa qua, các địa phương đã ưu tiên xây dựng thêm phòng học, mua sắm thiết bị đảm bảo đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước. Đến tháng 5/2013, đã có 8.030/10.761 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (đạt 72,2%); cấp huyện có 298/698 đơn vị (đạt 42,69). Phương pháp và hình thức dạy học trong giáo dục phổ thông cũng là bước chuyển đáng ghi nhận. Đề thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được ra đề theo hướng mở và gắn với các vấn đề thời sự của đất nước, giúp thay đổi cách dạy và học. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đã sát với quá trình dạy học với tỷ lệ đỗ 97,52%, giảm 1,45% so với năm 2012.

Tăng thi trắc nghiệm, tăng trung tâm đánh giá

"Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT nên tổ chức thi theo cụm, coi thi chéo vùng. Các cấp học còn lại giao cho địa phương tổ chức. Bộ nên cân nhắc xây dựng Luật Giáo dục Mầm non".

Ông Thái Văn Long Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn 5 hạn chế mà ngành giáo dục chưa làm được. Trong đó, vấn đề tiêu cực trong thi cử chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc thí sinh mang "phao" vào phòng thi, trao đổi bài, thậm chí còn làm bài hộ bạn.  Để nâng cao chất lượng giáo dục, lãnh đạo các sở GD&ĐT đã đề xuất nhiều giải pháp về phương pháp dạy học, đánh giá, đổi mới cách thi trong năm học 2013 - 2014. Theo bà Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, việc đầu tiên là tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học. Bộ GD&ĐT nên ưu tiên cho các tỉnh miền núi phía Bắc để phát triển giáo dục vùng dân tộc. Đặc biệt, hỗ trợ nguồn lực đầu tư phòng ở cho học sinh, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, giường tầng cho các trường phổ thông dân tộc bán trú. Trong khi đó, ông Thái Văn Long - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đề nghị trong năm học tới, Bộ tăng cường thi trắc nghiệm để rút ngắn thời gian thi và giảm căng thẳng, cùng với đó, nhân hệ số thi những môn học chính. Bộ chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp THPT ngay trong lúc chấm thi, không chờ đến lúc công bố kết quả. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề nghị, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thành lập thêm đơn vị đánh giá độc lập; phương pháp kiểm tra đánh giá, xếp loại hạnh kiểm một số bộ môn nên có sự thay đổi cho phù hợp.

Với vai trò là Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội - "cỗ máy cái" đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, trường đã có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đào tạo nghề như thành lập Trung tâm xây dựng các mô đun đào tạo… Trong năm 2014, trường sẽ thay đổi chương trình đào tạo, kết thúc năm 2014 sẽ có chương trình phù hợp với yêu cầu của thời đại. Với thực tế, đào tạo giáo viên là một quy trình khép kín từ các trường phổ thông, các sở đến trường ĐH Sư phạm, nên Bộ cần có văn bản xác định rõ trách nhiệm chung của các đơn vị liên quan, để có sự phối hợp liên thông giữa các đơn vị.