Năm kịch bản khi bà May bất ngờ hoãn bỏ phiếu Brexit tại Quốc hội

Hương Thảo (Theo SBSNews)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều gì đang xảy ra với Brexit khi Thủ tướng Theresa May cũng tỏ ra không chắc chắn với chính thỏa thuận mà bà vốn rất tâm đắc.

Thủ tướng Theresa May phát biểu trước quốc hội Anh. 
Theo Thủ tướng nước Anh, quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu tại quốc hội nước này về thỏa thuận Anh rời lIên minh châu Âu (EU) là nhằm tìm kiếm sự đảm bảo từ các nhà lãnh đạo EU để đáp ứng mối quan tâm của các nhà lập pháp Anh.
Tuy nhiên kể cả khi bà May hứa hẹn rằng cuộc bỏ phiếu vẫn sẽ diễn ra trước ngày 21/1 - thời hạn pháp lý để quốc hội Anh có thể kiểm soát quá trình Brexit nếu chính phủ không thể đàm phán một thỏa thuận khả thi với liên minh - thì hiện cũng đã đặt nhiều dấu hỏi về số phận chính trị của bà May cũng như bản thỏa thuận của bà mà chính bà cũng có vẻ không chắc chắn.
Dưới đây là một số tình huống có thể xảy ra, bao gồm cả những kịch bản tồi tệ nhất - Brexit thất bại hay chính quyền Theresa May sụp đổ.
Tinh chỉnh thỏa thuận
Có thể việc tìm kiếm "một sự đảm bảo hơn" với các đối tác châu Âu mà bà May nhắc đến chính là việc bà sẽ có thêm thời gian để thảo luận với các nghị sĩ nước nhà trước Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào 13-14 tuần này. Đó hẳn sẽ là một kế hoạch hoàn hảo hơn trong vấn đề biên giới Ireland.
Chính phe ủng hộ Brexit cũng đang yêu cầu chính quyền bà May chỉnh lý lại toàn bộ yếu tố gây tranh cãi này được đề cập trong bản thỏa thuận trước khi tiến hành bỏ phiếu tại Hạ viện. Tuy nhiên đáng nói là các nhà lãnh đạo EU đã từ chối khả năng đàm phán lại bất kỳ phần nào của bản thỏa thuận mà họ đã thông qua.
Một Brexit "mềm"
Với các nghị sĩ có nhiều tiếng nói hơn có thể thúc đẩy một "kế hoạch B", trong đó Anh sẽ chấp nhận một sự ra đi nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như việc nước này vẫn sẽ thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) kể cả khi không còn là thành viên EU
Mặc dù điều này cũng đồng nghĩa với việc phải duy trì tự do di chuyển của công dân EU vào Anh - một vấn đề gây tranh cãi giữa bà May và nhiều cử tri ủng hộ Brexit - phương án này được coi là có khả năng làm hài lòng đa số tại quốc hội, giúp Brexit có thể vượt qua bỏ phiếu một cách dễ dàng hơn.
Sự ra đi không hứa hẹn
Anh đã ấn định thời điểm chính thức rời khỏi Liên minh EU là vào ngày 29/3/2019, sau khi kích hoạt Điều 50 quy định cơ chế hiệp ước được sử dụng để rời bỏ khối vào năm 2016. Hiện nay, nhiều dấu hiệu đang cho thấy nguy cơ rằng nếu các nghị sĩ không thông qua kế hoạch của bà May, quan hệ London - Brussels sẽ chính thức sụp đổ vào ngày này khi không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Điều này đồng nghĩa với việc Anh tự mình cắt đi mối quan hệ thương mại quen thuộc nhất, khiến Ngân hàng nhà nước đã phải ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính và đồng Bảng Anh bị phá vỡ.
Trưng cầu dân ý lần hai
Lời kêu gọi cho một cuộc trưng cầu dân ý mới hiện cũng đã thu hút sự hỗ trợ đáng kể của hàng chục nghị sĩ Anh. Những người ủng hộ bỏ phiếu "đi hay ở" lần hai cũng đã nhận được sự thúc đẩy từ Tòa án Công lý Châu Âu vào hôm 10/12, trong đó phán quyết rằng Anh có quyền đơn phương để hủy bỏ quyết định Brexit của mình.
"Thay máu" bằng bầu cử
Thủ tướng Theresa May có thể sẽ cố gắng phá vỡ thế bế tắc tại quốc hội bằng cách kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử - nhưng sẽ cần sự ủng hộ của hai phần ba tổng số nghị sĩ.
Tuy nhiên một phe đa số trong tất cả các nhà lập pháp cũng có thể lật đổ chính phủ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhiều nghị sĩ đảng đối lập thậm chí đã kêu gọi một động thái như vậy ngay tại quốc hội hôm 10/12.
Bà May còn có thể bị chính các nghị sĩ Đảng Bảo thủ của mình lật đổ khi truyền thông Anh gần đây đã đầy rẫy những đồn đoán về các ứng cử viên tiềm năng. Trong trường hợp tồi tệ đó, sẽ cần tối thiểu 48 phiếu chống để kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần