Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nan giải bài toán cấp nước sạch tại Phúc Thọ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép xây dựng trạm cấp nước sạch phục vụ người dân huyện Phúc Thọ, tuy nhiên sau 5 năm, hai dự án vẫn nằm trên giấy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đạt thấp.

Công nhân vận hành tại trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp. Ảnh: Lâm Nguyễn
Công nhân vận hành tại trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp. Ảnh: Lâm Nguyễn

38% người dân được dùngnước sạch

Tháng 2/1998, Trạm cấp nước sạch thị trấn Phúc Thọ chính thức đi vào hoạt động. Đây là công trình cấp nước tập trung đầu tiên được xây dựng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, do Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới. Trạm cấp nước sạch có công suất là 500m3/ngày, đêm, đang cung cấp nước sạch cho 1.216 hộ dân tại thị trấn Phúc Thọ.

Ngoài trạm cấp nước sạch trên, huyện Phúc Thọ còn 3 trạm cấp nước sạch khác đang hoạt động. Cụ thể là trạm cấp nước sạch Bảo Lộc ở xã Võng Xuyên (công suất 1.000m3/ngày, đêm), hiện đang cấp nước cho khoảng 1.300 hộ dân; trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp (công suất 600m3/ngày, đêm), phục vụ nước sạch cho 2.340 hộ dân.

Đây là hai dự án đang được giao cho các DN tư nhân quản lý, vận hành. Dự án còn lại là trạm cấp nước sạch liên xã Liên Hiệp - Hiệp Thuận do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Công trình có công suất 2.950m3/ngày, đêm, do Sở NN&PTNT Hà Nội quản lý, hiện đang vận hành ổn định, cung cấp nguồn nước sạch cho 3.092 hộ dân hai xã Liên Hiệp và Hiệp Thuận.

Cùng với các trạm cấp nước nêu trên, gần 12.000 hộ dân thuộc 8 xã, thị trấn khác của huyện Phúc Thọ cũng đã được tiếp cận nguồn nước sạch từ Công ty Nước sạch Sơn Tây. Thống kê toàn huyện Phúc Thọ hiện có khoảng 19.500 hộ dân thuộc 12 xã, thị trấn được tiếp cận nước sạch từ nguồn cấp tập trung, bằng khoảng 38% tổng số hộ gia đình toàn huyện.

Đề xuất thu hồi dự án chậm triển khai

Để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho người dân, UBND huyện Phúc Thọ và TP Hà Nội đã mời gọi các DN tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân. Theo đó, vào năm 2017, UBND TP Hà Nội đã giao cho Công ty CP Kỹ thuật môi trường Việt thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã Long Xuyên - Thượng Cốc (công suất 2.700m3/ngày, đêm).

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư và tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam được Hà Nội giao thực hiện dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 3 xã: Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc, với công suất 4.300m3/ngày, đêm. Tuy nhiên đến nay, cả hai DN này vẫn chưa triển khai dự án được TP giao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, trước sự chậm trễ trong triển khai dự án cấp nước sạch của hai DN nêu trên, địa phương đã có báo cáo đề xuất UBND TP Hà Nội thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với hai dự án. Điều này nhằm tránh chồng lấn phạm vi cấp nước đối với các đơn vị đầu tư mới; tạo điều kiện để huyện thu hút, mời gọi DN khác vào thực hiện dự án...

Đối với trạm cấp nước sạch Bảo Lộc, huyện đề nghị Công ty CP Thương mại và dịch vụ nước sạch Tuấn Minh - đơn vị đang quản lý, vận hành, nghiên cứu mở rộng nhà máy thêm 520m2, nhằm nâng công suất trạm từ 1.000m3/ngày, đêm hiện nay lên 2.500m3/ngày, đêm; bảo đảm cấp nước cho 18.000 hộ dân xã Võng Xuyên.

Để xóa “vùng trắng”nước sạch, UBND huyện Phúc Thọ cũng đề nghị Công ty Nước sạch Sơn Tây nghiên cứu, mở rộng mạng lưới cung cấp nước ổn định cho các xã dọc Quốc lộ 32 và khu vực lân cận. Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Toàn Linh tiếp tục vận hành khai thác trạm cấp nước tại xã Tam Hiệp để cấp nước phục vụ cho 2.340 hộ dân trên địa bàn xã.

Đối với các xã vùng bãi, UBND TP Hà Nội đã giao các sở, ngành và Công ty CP Tập đoàn đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường Hùng Thành nghiên cứu phương án xây dựng trạm cấp nước sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng tại địa bàn xã Vân Phúc. Huyện Phúc Thọ đề nghị các sở, ngành xem xét, đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư cho DN này để dự án sớm được triển khai.

Cần sự ủng hộ của người dân

Thực tế, để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch, yếu tố cộng đồng là hết sức quan trọng. Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong khi Nhân dân nhiều xã khác mong muốn có nước sạch để sử dụng, thì một bộ phận người dân trên địa bàn xã lại tỏ ra không mấy mặn mà.

 

9 xã của huyện Phúc Thọ chưa có nguồn cấp nước sạch tập trung để sử dụng gồm: Xuân Đình, Thượng Cốc, Vân Phúc, Vân Nam, Long Xuyên, Hát Môn, Tam Thuấn, Vân Hà và Thanh Đa. Người dân tại các địa phương này đang phải sử dụng các thiết bị lọc để bảo đảm chất lượng nguồn nước sử dụng sinh hoạt.

“DN đã lắp đặt hệ thống đường ống chính và ống nhánh đến các thôn của xã. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không muốn đấu nối để sử dụng, do quen dùng nước giếng khoan qua lọc và không muốn tốn thêm chi phí hàng tháng để mua nước sạch” - ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Tâm lý chưa mặn mà với nước sạch cũng là khó khăn mà các DN khác tại huyện Phúc Thọ đang gặp phải. Đại diện Công ty CP Thương mại và dịch vụ nước sạch Tuấn Minh cho biết, việc mở rộng mạng lưới cấp nước nằm trong tầm tay của đơn vị. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, đơn vị cần khảo sát kỹ lưỡng về nhu cầu; không thể đầu tư rồi bỏ đó, gây lãng phí và thiệt hại cho DN.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, những năm qua, địa phương thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức các lớp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch đối với an toàn sức khỏe. Nhận thức của đại bộ phận người dân dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đồng đều.

Hiện, UBND huyện Phúc Thọ đang tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng nước sạch. Yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo, tổ chức, DN, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện đăng ký sử dụng nước sạch khi có nguồn cấp. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước cấp cũng được huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm.

Theo đó, địa phương thường xuyên phối hợp với các nhà đầu tư lấy mẫu nước xét nghiệm, bảo đảm nguồn nước cấp cho Nhân dân đạt tiêu chuẩn chất lượng QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Đồng thời, thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh cơ sở để người dân nhận biết, tin dùng.

 

Địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền Nhân dân ủng hộ, sử dụng nước sạch. Trong đó bao gồm cả việc đưa nội dung vận động sử dụng nước sạch vào các buổi sinh hoạt Chi bộ của thôn, cụm dân cư, nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên trong việc vận động các tầng lớp Nhân dân sử dụng nước sạch để nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hát Môn Nguyễn Tiến Minh