Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân theo báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên, có một số đại biểu cho rằng dự Luật cần tiếp thu, sửa đổi để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo đảm sự kiểm soát, chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp; quy định đầy đủ, rõ ràng về mối quan hệ giữa VKSND với HĐND; có sự thống nhất, tương thích với dự thảo Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (TAND) (sửa đổi) về cơ cấu, từ ngữ và ở những nội dung có liên quan như mô hình tổ chức, hoạt động, các ngạch, nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên, Thẩm phán...
Về mô hình tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) cấp huyện hay VKSND khu vực, đa số đại biểu nhất trí với phương án giữ nguyên mô hình tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay. Vì mô hình tổ chức của VKSND không nhất thiết phải hoàn toàn phù hợp với mô hình tổ chức của TAND do phần lớn hoạt động của VKSND gắn liền với hoạt động của Cơ quan điều tra. Mặt khác, mô hình tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay vẫn đang phát huy tốt hiệu quả hoạt động.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng), yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ kiểm sát không phải do tổ chức, bộ máy. “Cán bộ chúng ta bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, tạo ra không trong sáng nên xảy ra án oan và sai. Do đó, chúng ta phải đào tạo đội ngũ cán bộ để cho bản lĩnh cán bộ kiểm sát có trái tim đầy nhiệt huyết nhưng đầu phải lạnh, bàn tay sạch và như thế mới thực hiện tốt nhiệm vụ cán cân công lý, được công luận xã hội thừa nhận” - ĐB Thuyền nói.
Một số ý kiến nhận định, việc thành lập VKSND khu vực không những gây tốn kém mà còn gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm tính đồng bộ với Cơ quan điều tra và Cơ quan Thi hành án (vẫn tổ chức theo cấp huyện); cơ chế giám sát của HĐND đối với hoạt động của VKSND khu vực cũng chưa rõ ràng. Vì vậy, nếu muốn tổ chức cần phải thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm.
Theo ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội), việc thành lập tòa án, viện kiểm sát khu vực sẽ làm người dân phải đi xa hơn, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Vì vậy cho thấy sự không phù hợp, do đó tán thành để nguyên như hiện nay.
Cùng quan điểm như ĐB Hà, ĐB Đỗ Văn Đương - TP.HCM cho rằng: “Tôi tán thành việc giữ nguyên mô hình tòa án và viện kiểm sát như hiện nay. Bởi 2/3 công việc và biên chế là gắn liền với hoạt động của cơ quan điều tra nên tổ chức bộ máy phải gắn với cơ quan điều tra là cấp huyện, chứ không thể khu vực được. Điều quan trọng là VKS bảo vệ quyền con người, VKS phải chống oan sai ngay từ khi điều tra chứ không chờ đến khi tòa quyết định. Để nâng cao chất lượng tư pháp là phải cải cách con người về lương tâm, trách nhiệm làm sao để người thẩm phán, kiểm sát viên phải công tâm trong thực thi nhiệm vụ”.
Về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC và Hội đồng xét tuyển, thi tuyển các ngạch Kiểm sát viên khác, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo về cơ chế xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Có ý kiến thì đề nghị thành lập một Hội đồng tuyển chọn cấp quốc gia để xét tuyển chung đối với tất cả các chức danh tư pháp. Ý kiến khác thì đề nghị có cơ chế để Hội đồng nhân dân giám sát việc xét tuyển Kiểm sát viên vì Hội đồng nhân dân có chức năng giám sát hoạt động của VKSND nên sẽ nắm rõ chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát.
Theo ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội), chất lượng kiểm sát viên là yếu tố rất quan trọng, do đó cần có cơ chế lựa chọn, tuyển chọn kết hợp thi tuyển để tuyển chọn được những người đảm bảo có tài, có đức và công tâm. “Thực tế hiện nay việc tổ chức hội đồng tuyển chọn vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức. Vì vậy, cần thành lập hội đồng tuyển chọn một cách khách quan để tuyển chọn, kết hợp thi tuyển thì mới tìm được những người có tâm, có tài và công tâm” - ĐB Hà nói.
Về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC, một số ý kiến nhất trí với việc tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC nhưng đề nghị nêu rõ căn cứ để kéo dài tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC; quy định thống nhất với tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC; không phân biệt giữa nam với nữ; căn cứ vào trình độ, năng lực, sức khỏe để phân loại và quy định tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; quy định rõ là không giữ chức vụ quản lý; có lộ trình thực hiện phù hợp.
Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) thì tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC không nên giao Chính phủ quy định thống nhất mà phải để Quốc hội quyết định. “Việc căn cứ vào năng lực, trình độ trách nhiệm, thì niềm tin nội tâm chỉ có trong ngành tư pháp, vì vậy kéo dài tuổi nghỉ hưu của các kiểm sát viên VKSNDTC là cần thiết. Tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu đối với Kiểm sát viên VKSNDTC nam 65, nữ 60 phải quy định trong luật lần này” - ĐB Quyền nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến không nhất trí việc quy định độ tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC trong dự thảo luật này và đề nghị thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động hoặc giao Chính phủ quy định thống nhất. Có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ vì trong VKSND không chỉ có Kiểm sát viên mà còn có các chức danh khác như Điều tra viên và cán bộ, viên chức khác, đồng thời tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên cũng phải khác với tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán.
Ngoài các nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về nhiệm vụ, quyền hạn của; Chức năng, nhiệm vụ của VKSND; các lĩnh vực công tác của VKSND; thẩm quyền của VKSND khi thực hiện chức năng; trách nhiệm phối hợp của VKSND; công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND; tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan điều tra VKSND; các ngạch Kiểm sát viên; nhiệm kỳ của Kiểm sát viên; tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát…
ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội)
|