Với sự tham gia của 185 doanh nghiệp làm công tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản, mục đích của Hội nghị là để trao đổi về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản trong thời gian tới.
Các đại diện tham gia hội nghị khẳng định, Nhật Bản là thị trường lao động trọng điểm, đang tiếp nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam. Số lượng thực tập sinh Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản tăng đều qua các năm và đặc biệt tăng nhanh trong năm 2014 (với 19.766 thực tập sinh, tăng gấp đôi so với năm 2013) và 10 tháng đầu năm 2015 Việt Nam đã đưa được 21.870 thực tập sinh sang Nhật Bản.
Về cơ bản thực tập sinh Việt Nam được các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá tốt. Tuy nhiên, công tác đưa thực tập sinh sang Nhật Bản thời gian gần đây đã xuất hiện một số hiện tượng ảnh hưởng không tốt đến việc mở rộng thị trường đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản, như: nhiều thực tập sinh Việt Nam phải chịu mức phí cao hơn so với quy định và vẫn còn tình trạng thực tập sinh Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản, bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép.
Tai Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đưa ra các ý kiến nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên cũng như để lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo tính ổn định và nâng cao chất lượng thực tập sinh sang Nhật Bản trong thời gian tới.
Các vấn đề được trao đổi xoay quanh bản Dự thảo Đề án chấn chỉnh thị trường Nhật Bản do Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng. Trong đó tập dung vào các quy định về: Các điều kiện đối với doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản; tuyển chọn, đào tạo thực tập sinh trước khi đưa đi thực tập tại Nhật Bản; các khoản phí mà doanh nghiệp được phép thu, hướng tới minh bạch hóa chi phí đi thực tập tại Nhật Bản; và công tác quản lý tu nghiệp sinh tại Nhật Bản.