Do đó, những năm gần đây, thị xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn xây dựng những mô hình sản xuất mới giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhiều mô hình hiệu quả
Mô hình hoa ly của ông Nguyễn Văn Thọ, Tổ dân phố số 4, phường Viên Sơn là minh chứng cho sự thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên diện tích 3ha, năm 2013, ông Thọ đã mạnh dạn mua 2 vạn củ hoa ly giống về trồng thay thế cho những giống hoa cúc, hồng đã trồng lâu năm hiệu qủa thấp. "Dịp Tết năm 2014, nhờ hoa đẹp lại được giá, với giá bán trung bình từ 25 - 60.000 đồng/cành, gia đình tôi thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng" - ông Thọ phấn khởi nói.
Tại xã đồi gò, bán sơn địa Kim Sơn, 5 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ mạnh dạn vay vốn, đầu tư chăn nuôi bò sữa. Bên cạnh đó, xã cũng phát triển mạnh nghề nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế khá với trên 20 chục hộ tham gia.
Ông Khuất Văn Học - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, thị xã luôn xác định, việc lựa chọn hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là yếu tố quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập. Đến nay, Sơn Tây đã xây dựng một số Đề án bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: 30ha hoa đào ở Cổ Đông, Kim Sơn, 5ha hoa ly, hoa tulip ở Đường Lâm, Viên Sơn; 20ha rau an toàn ở Viên Sơn; chăn nuôi gà Mía theo phương thức thả vườn ở Đường Lâm…
Khó khăn trong quy hoạch
Đến nay, thị xã Sơn Tây đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 1.000ha, trung bình mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa canh tác (thị xã chỉ thực hiện dồn ô đổi thửa tại 6 xã). Cùng với sự hỗ trợ của TP, UBND thị xã đã có cơ chế hỗ trợ cho những diện tích sau dồn điền đổi thửa, cùng với đó, tiến hành rà soát diện tích đất thuộc những dự án chậm tiến độ trên địa bàn để chuyển đổi cho nông dân sản xuất. Theo chủ trương của TP, thị xã Sơn Tây phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ du lịch. Tuy nhiên, do diện tích đất nông nghiệp của thị xã hạn hẹp, đồng đất manh mún dẫn đến khó khăn trong việc quy hoạch các vùng sản xuất theo quy mô tập trung. Đất đai không tập trung là nguyên nhân chủ yếu khiến thị xã không thể cạnh tranh sản xuất vùng nông sản hàng hóa với các địa phương khác. Thực tế cho thấy, bình quân thu nhập trên một đơn vị canh tác của thị xã đạt 69 triệu đồng/ha/năm là quá thấp so với mặt bằng chung của TP (bình quân của TP đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm).
Theo ông Khuất Văn Học, việc phát triển các mô hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Chẳng hạn, trong chăn nuôi, dịp Tết năm 2014, gà Đường Lâm (đặc sản gà Mía) chỉ có giá trung bình 90.000 đồng/kg (thấp hơn cùng kỳ năm 2013 khoảng 40.000 đồng); giá rau trước và sau dịp Tết rớt thê thảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân. Vì vậy, thời gian tới, thị xã chủ trương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Sản xuất rau an toàn tại phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Ngọc Anh
|