Nâng cao hiệu quả quản lí hành chính nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lí hành chính nhà nước trong thời gian tới cần phải:

Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách giao tiếp cho cán bộ, công chức, tuyên truyền giáo dục và đưa nội dung Luật Cán bộ, công chức, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương vào bài giảng.

Việc tuyên truyền, giáo dục Luật Cán bộ, công chức, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương nhằm giúp cho cán bộ, công chức nắm vững các nguyên tắc trong thi hành công vụ, nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thi hành công vụ, đạo đức của cán bộ, công chức, văn hoá giao tiếp công sở, văn hoá giao tiếp với nhân dân, những việc cán bộ, công chức không được làm…

Tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, giám sát cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc giờ giấc làm việc, không làm việc riêng, chơi game trong giờ hành chính, khi tiếp xúc với công dân. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính với công dân vắng quá một buổi làm việc phải bố trí người khác thay thế.

Trong khi giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất hẹn quá một lần trở lên, khi đến hẹn phải giao trả kết quả cho công dân, nếu không vì lý do khách quan bất khả kháng mà một cán bộ, công chức chậm trả kết quả cho công dân quá 03 lượt trở lên thì phải xử lý trách nhiệm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công vụ, mạnh dạn xử lý những cán bộ, công chức có biểu hiện, thái độ nhũng nhiễu, hách dịch, thiếu tôn trọng, gây khó khăn cho công dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức thuộc quyền.

 Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức, tạo thu nhập chính đáng để cán bộ, công chức an tâm công tác.

 Bởi vì khi cần thiết, công dân mới đến cơ quan hành chính, nếu tự giải quyết được hoặc có phương án khác công dân sẽ không bao giờ đến cơ quan hành chính để giải quyết. Do đó, khi thực hiện thủ tục hành chính, nếu thái độ của cán bộ, công chức tỏ ra niềm nở, hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện cho công dân thực hiện thủ tục dễ dàng thì mặc dù chưa đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định hoặc chưa được giải quyết xong nhưng công dân vẫn cảm thấy nhẹ nhàng về tâm lý, nâng cao tính thiện cảm, lòng tin của công dân đối với bộ máy chính quyền.

Với tư cách là người đại diện của cơ quan hành chính trực tiếp giải quyết công việc, thủ tục hành chính với công dân, nên khi bố trí, sử dụng cán bộ, công chức đòi hỏi cán bộ, công chức phải có phẩm chất và năng lực, có trình độ văn hoá, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, không cơ hội, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tác phong dân chủ, khoa học, thái độ lễ phép, tận tuỵ phục vụ nhân dân, phải thấm nhuần nền hành chính nước ta là nền hành chính phục vụ, dân chủ, minh bạch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần