Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả sản xuất rau an toàn: Còn nhiều việc phải làm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, giá trị thu nhập từ sản xuất rau an toàn (RAT) của Hà Nội đạt 199 triệu đồng/ha, mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt 231 triệu đồng/ha. Để đạt được mục tiêu đó vẫn còn nhiều khó khăn phải tháo gỡ.

Đó là khẳng định của ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Đề án sản xuất rau an toàn (RAT) TP Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016 tổ chức ngày 19/3.

Theo báo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, sau 3 năm triển khai Đề án, đến nay, toàn TP có 3.800ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT với sản lượng đạt khoảng 295.000 tấn/năm, tương đương 800 tấn/ngày cho thu nhập trung bình đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, sản xuất RAT tại các địa phương vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; giá thành sản xuất RAT thấp nhưng giá bán tại các siêu thị, cửa hàng cao do chịu nhiều chi phí trung gian. Ngoài ra, mạng lưới tiêu thụ RAT chậm phát triển, các DN đầu tư vào lĩnh vực RAT còn hạn chế. Đặc biệt, chất lượng RAT có lúc, có nơi chưa đảm bảo…

Theo mục tiêu đề ra, năm 2013, toàn TP sẽ có 4.500ha RAT phân bố ở 166 xã. Để nâng cao hiệu quả sản xuất RAT, theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, TP cần sớm bố trí vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất RAT như đường giao thông, hệ thống điện, nhà sơ chế. Đồng thời, hỗ trợ các kỹ năng quản lý sản xuất RAT, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt khẳng định, người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất được RAT. Vì vậy, thời gian tới, cần hỗ trợ cho nông dân sản xuất RAT 5 việc chính: Cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đúng quy trình; xây dựng thương hiệu, gắn tem nhãn, bao bì cho sản phẩm; mở rộng mạng lưới tiêu thụ RAT; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng RAT và tập trung hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất.