Năm 2012 được đánh giá là năm hoạt động SXKD của TCty gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay, do mới chuyển sang hình thức cổ phần; thép xây dựng là mặt hàng chính, chiếm tới 3/4 sản lượng thép toàn đơn vị, song đầu ra bị "đóng băng" kéo dài khiến nhiều dự án ngừng thi công, dẫn đến tiêu thụ giảm mạnh. Mọi công ty SXKD thép trong hệ thống phải tiết giảm hoạt động, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp nhu cầu thị trường. Thậm chí có những tháng, phần lớn các nhà máy chỉ chạy 30% công suất để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Tính chung cả năm, ngoài các DN sản xuất phôi thép, thép dẹt và ống thép có tăng trưởng, các mặt hàng khác đều có hiệu quả thấp so với năm 2011, một số công ty không có lãi.
Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư như: Mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Nhà máy gang thép Lào Cai, Thép liên hợp Hà Tĩnh... chưa đạt tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong công tác xin chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép, nguồn vốn, năng lực nhà thầu và quản lý dự án...
Ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc TCty Thép Việt Nam cho rằng năm 2013 kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó, các chính sách tài chính tiền tệ chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công trong nước tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng thép. Dự báo thụ trường thép xây dựng nội địa chỉ tăng 4 - 4,5% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp và xây dựng suy kiệt tài chính, sẽ chưa có khởi sắc. Do đó, SXKD của ngành thép tiếp tục đối mặt nhiều thách thức. Ngoài ra, thị trường thép trong nước cạnh tranh quyết liệt, trong đó thị trường thép tấm lá sẽ cạnh tranh mạnh mẽ do dự án China Steel Sumikin Vietnam công suất 1,2 triệu tấn tham gia thị trường.
Trước áp lực rất lớn trong năm 2013, TCty đã phát động phong trào thi đua ngay từ ngày đầu, tháng đầu với mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững và mở rộng thị phần trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu thép để giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa. Cùng với các biện pháp giảm chi phí, giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, lãnh đạo TCty yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các dự án chuyển tiếp, đưa vào sản xuất đúng tiến độ nhằm đảm bảo tăng trưởng, trong đó ưu tiên các dự án nhóm A, có khả năng sớm phát huy hiệu quả nhằm tăng cao hiệu suất sử dụng vốn. Cụ thể, sẽ hoàn thành dự án giai đoạn II Công ty CP gang thép Thái Nguyên, Nhà máy gang thép Lào Cai - Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung, chuẩn bị đầu tư Nhà máy thép Hậu Giang và Trung tâm sản xuất - phân phối thép phía Bắc... Đặc biệt, hạn chế tối đa các dự án khởi công mới, không phê duyệt hoặc dừng triển khai những dự án chưa thật sự cần thiết hoặc chưa bố trí được vốn... Tất cả các giải pháp đều nhằm đưa TCty phát triển SXKD bền vững, có lợi nhuận.