Chia sẻ tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, năng lực cạnh tranh (NLCT) của DN và NLCT quốc gia liên quan mật thiết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Thực tế, NLCT còn rất hạn chế của DN hiện nay là nguyên nhân chính khiến cho Việt Nam bị chấm điểm thấp trong các báo cáo NLCT toàn cầu do Diễn đàn WEF công bố những năm gần đây. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2014 – 2015 xếp chỉ số năng lực cạnh tranh (NLCT) của Việt Nam ở vị trí 68/148 nền kinh tế, còn Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014 xếp Việt Nam ở vị trí 78/189 quốc gia. Nhìn vào các thứ hạng này có thể thấy tuy đã có nhiều nỗ lực, song NLCT của Việt Nam còn chậm cải thiện và còn khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.
Theo Chủ tịch VCCI, các nguyên nhân lý giải những điểm còn hạn chế trong NLCT của đa số DN Việt Nam có thể kể đến: Khả năng hoạch định chiến lược, phát triển thị trường và thương hiệu kém, năng lực quản trị yếu và đặc biệt là năng suất lao động thấp. Ngoài ra, các rào cản về thủ tục hành chính từ môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập.
Bàn về năng suất lao động của Việt Nam, ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc LG Electronic Việt Nam cho rằng, chi phí tiền lương ở Việt Nam ngày càng cao trong khi năng suất lao động chậm cải thiện, điều này đang làm hao mòn lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. “Lực lượng lao động của Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng, những người có khả năng điều hành kinh doanh, kỹ sư chuyên ngành là rất ít. Do đó, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực. Cần có thêm các trung tâm đào tạo, các trường dạy nghề...” – đại diện LG Electronic khuyến nghị.
Nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler, hiện đang là Tổng giám đốc Diễn đàn WEF là một người Đức gốc Việt cũng đưa ra lời khuyên, tương lai của Việt Nam là lớp người trẻ có khát vọng và ý chí vươn lên, vì thế cần đầu tư nhiều hơn cho giới trẻ, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tạo điều kiện hơn nữa cho kinh tế tư nhân phát triển.
Đồng tình với các chia sẻ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh xét cho cùng là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát huy sức sáng tạo và đổi mới để có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, nâng cao NLCT quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ, mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các DN”.
Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới sâu rộng hơn. Năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức đi vào hoạt động. Việt Nam đang chuẩn bị kết thúc đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các đối tác chủ chốt như EU, Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga-Belarus-Kazakstan; đồng thời nỗ lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực Đông Á (RCEP).
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, các liên kết kinh tế đa tầng nấc này với luật chơi mới và mức độ mở cửa thị trường sâu rộng vừa tạo ra không gian phát triển mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn phải nâng cao hơn nữa NLCT của nền kinh tế và DN. Hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng quyết liệt, do đó nâng NLCT đã trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế và các DN Việt Nam hiện nay.