Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý ngành du lịch Thủ đô

Tin và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong chuỗi các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, ngày 10/11, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước và xây dựng sản phẩm du lịch năm 2017.

 Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Có thể nói những năm gần đây ngành du lịch Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, đặc biệt là tốc dộ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Dự kiến năm 2017, Thủ đô Hà Nội đón 23,83 triệu lượt khách (tăng 9% so với năm 2016 và vượt 1% so với kế hoạch); trong đó: khách du lịch quốc tế đến ước đạt 4,95 triệu lượt khách (tăng 23% so với năm 2016 và vượt 15% so với kế hoạch); khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 3,533 triệu lượt khách (tăng 22% so với năm 2016 và vượt 15% so với kế hoạch); khách du lịch nội địa ước đạt 18,88 triệu lượt khách (tăng 6% so với năm 2016). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 70.958 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2016 và vượt 6,7% so với kế hoạch).
Với kết quả đó, năm 2017, Hà Nội được đánh giá xếp thứ 7 trong top 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới theo khảo sát của Mastercard và đứng thứ 3 top 20 điểm đến du khách muốn ghé thăm nhất thế giới theo khảo sát của trang Pinterest.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải thẳng thắn nhìn nhận: Nguồn nhân lực du lịch hiện chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng, nhất là ở khối các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Theo thống kê sơ bộ hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 114 người (bao gồm công chức Sở Du lịch; viên chức phụ trách xúc tiến du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch; công chức kiêm nhiệm quản lý du lịch tại UBND các quận, huyện, thị xã). Nhìn vào con số trên, chưa bàn về chất lượng, chỉ riêng số lượng nguồn nhân lực quá nhỏ đã trở thành một sức ép lớn, một bài toán khó đối với ngành du lịch.
 Các học viên tham gia lớp tập huấn.
Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, là một trong những yếu tố cấu thành giúp đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.
Hướng tới thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua ngành Du lịch Hà Nội luôn coi công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý, lao động du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành. Đặc biệt trong năm 2017, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, bồi dưỡng lĩnh vực lữ hành, vận chuyển; kiến thức và kỹ năng thuyết minh cho thuyết minh viên tại điểm và tổ chức các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch trọng điểm tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Do đó, Sở Du lịch tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý nhà nước và xây dựng sản phẩm du lịch năm 2017 với mong muốn đây sẽ trở thành một dịp để các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực du lịch cũng như nâng trình độ quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao kiến thức và kỹ năng tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch.
Lớp bồi dưỡng đã được nghe TS Nguyễn Văn Lưu - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTT&DL; TS Trần Nữ Ngọc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc; và Phạm Quang Thái - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL trình bày 3 chuyên đề về công tác quản lý nhà nước; xây dựng sản phẩm du lịch; và công tác thanh tra trên địa bàn TP.
Tại buổi học, các đại biểu đã thảo luận và nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.