Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cấp chất lượng dịch vụ để hút khách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm trầm lắng, thời gian gần đây, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đã có dấu hiệu sôi động trở lại.

Cụ thể, trong vài tháng vừa qua, hàng loạt đợt mở bán, giới thiệu sản phẩm của cả dự án (DA) tái khởi động và mới triển khai liên tục được tổ chức. Theo nhận định của các chuyên gia, sự trở lại của BĐS nghỉ dưỡng có khá nhiều điểm mới, từ khu vực, chủ đầu tư, loại hình sản phẩm đến quản lý phát triển DA, cách tiếp cận khách hàng…

Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm 

Thực tế, từ giữa năm 2014, khi nền kinh tế và thị trường BĐS có dấu hiệu khởi sắc, phân khúc nghỉ dưỡng ngay lập tức trở thành đích nhắm của các nhà đầu tư. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong các tháng cuối năm, lĩnh vực kinh doanh BĐS có 16 DA đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 692,3 triệu USD, trong đó chủ yếu là đầu tư vào các DA BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Điểm đến của dòng vốn không chỉ tập trung ở các khu vực như Đà Nẵng, Phan Thiết như trước mà lan tỏa sang Phú Quốc, Cam Ranh, đặc biệt là khu vực phía Bắc gồm Thanh Hóa, Quảng Ninh. Do dòng vốn vào phân khúc này có chiều hướng tăng mạnh nên thị trường đón nhận hàng loạt chương trình mở bán, giới thiệu DA như: The Costa, The Residences at MIA (Nha Trang), The Beachfront Enclave (Đà Nẵng), Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc), Cát Bà Amita (Hải Phòng), Hạ Long Marina (Quảng Ninh)…

 
Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort.
Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort.
 
Chưa hết, để đón dòng vốn, nhiều chủ đầu tư đã đa dạng hóa các loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng như: Khu nghỉ dưỡng đa chức năng trung tâm hội nghị, khách sạn, biệt thự, sân golf ven biển như FLC Samson Golf Links (Thanh Hóa); BĐS nghỉ dưỡng đô thị, DA nghỉ dưỡng liền kề trung tâm TP như Đại Phước Lotus (Đồng Nai), Đảo Kim Cương (quận 2, TP Hồ Chí Minh)… Cùng với đó, cách làm của các nhà vận hành, quản lý BĐS nghỉ dưỡng cũng đã thay đổi để thích nghi với cung cách làm việc mới đến từ các nước, nhất là không ngừng nâng cấp chất lượng dịch vụ để tiến dần đến chuẩn mực quốc tế.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự sôi động trở lại, hút đầu tư của BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây có tác động bởi nhiều yếu tố liên quan như: Ngành du lịch được Chính phủ quan tâm thúc đẩy hơn; Cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch được chú trọng chuẩn bị, xây dựng đồng bộ, quy hoạch bài bản để đón nhà đầu tư. 

Đổi mới cách làm để kích cầu

Hầu hết các chuyên gia trong nước và quốc tế đều khẳng định, Việt Nam có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng và luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Thực tế khảo sát thị trường cho thấy, các DA BĐS nghỉ dưỡng thành công, duy trì thanh khoản và hút khách trong thời gian qua như Flamingo Đại Lải Resort, Hạ Long Marina là do chủ đầu tư có uy tín, đổi mới cách làm với việc tạo dựng được những yếu tố độc đáo, chất lượng sản phẩm tốt, thiết kế thích ứng với thị hiếu người mua. Đặc biệt, chủ đầu tư còn có nhiều chính sách khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn như tặng du thuyền, vay vốn lãi suất thấp… để kích cầu khách hàng.

 
Nâng cấp chất lượng dịch vụ để hút khách - Ảnh 1
Cụ thể, Flamingo Đại Lải Resort ngoài xây biệt thự để bán, chủ đầu tư còn tạo dựng rất kỹ lưỡng, chỉnh chu hệ thống cảnh quan sống, tiện ích đa dạng: Ẩm thực, thể thao, bể bơi, spa, công viên… đáp ứng tối đa nhu cầu vui chơi giải trí của khách. Do đó, nơi này luôn được lựa chọn là điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời lại không quá xa Hà Nội. Còn Hạ Long Marina cũng là một nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn bên bờ biển Vịnh Hạ Long, được quy hoạch đồng bộ, hoàn chỉnh, đầy đủ, đa dạng các loại hình dịch vụ tiện ích, thương mại, giải trí, trường học, bệnh viện… Tất cả để hướng tới phục vụ du khách với việc không chỉ ngắm cảnh đẹp mà còn có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa Việt Nam.
 
"Ngoài yếu tố bắt buộc, các chủ đầu tư khi tham gia lĩnh vực này phải trường vốn, thì một yếu tố khác cũng cần phải hướng tới, đó là các DN sẽ khó có thể tồn tại được nếu không đánh trúng nhu cầu khách hàng, không đưa ra những ý tưởng mới, táo bạo và độc đáo". - GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT