Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất lượng để tạo sức cuốn hút

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 28/7, kỷ niệm 83 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2012), nhiều công đoàn viên mong muốn rằng, các tổ chức công đoàn (CĐ), đặc biệt trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (NQD) cần nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời đấu tranh để cải thiện hơn nữa đời sống cho người lao động và tạo sức hút bền vững.

Công đoàn phải nói tiếng nói của người lao động

Hà Nội hiện có 9.000 doanh nghiệp NQD đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ, nhưng chỉ có 2.230 doanh nghiệp thành lập (chiếm 31%). Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động CĐ trong các doanh nghiệp NQD gặp nhiều khó khăn do cán bộ CĐ thường kiêm nhiệm. Nhiều cán bộ CĐ có năng lực, bản lĩnh được người lao động tín nhiệm, nhưng hết hạn hợp đồng lao động thì phần lớn họ không được chủ sử dụng lao động ký tiếp hợp đồng. Trong khi đó, tình trạng NLĐ lãn công, đình công tự phát ở các doanh nghiệp trong các KCN vẫn là điều gây băn khoăn, day dứt trong dư luận.

Nhiều người cho rằng, hoạt động của CĐ cũng phải đến trực tiếp, nghe NLĐ nói, đặc biệt phải nắm được diễn biến tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, do lạm phát, đời sống CNLĐ ngày càng khó khăn, đồng lương không đảm bảo cuộc sống nên dễ xảy ra tranh chấp LĐ. Do đó, mỗi cán bộ CĐCS phải nắm bắt tâm tư của CNLĐ, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp làm sao bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đặc biệt, CĐ phải thực sự đại diện cho quyền lợi chính đáng của NLĐ, nói được tiếng nói của NLĐ, tránh như tình trạng hiện nay vẫn chưa sát cơ sở, chưa thở hơi thở của CNLĐ.

Gắn kết hoạt động thực tế

Từ thực tiễn hoạt động, không ít cán bộ CĐ cấp trên cơ sở than thở: Việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS hiện nay là phần việc "xương" nhất, "gai góc" nhất trong các phần việc của hoạt động CĐ. Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực, CĐ muốn khẳng định vai trò của mình, hoạt động phải thực sự thiết thực, không chỉ vì quyền lợi của NLĐ mà còn phải hướng tới mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nếu hoạt động CĐ luôn tạo được sự cuốn hút như vậy, chắc chắn sẽ không còn khoảng cách quá xa so với sự phát triển của DN như hiện nay.

Để trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng hoạt động của cán bộ CĐCS, LĐLĐ TP đã triển khai đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ Thủ đô, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS DN ngoài nhà nước giai đoạn 2012-2015". Theo đó, nhiều hoạt động đã được triển khai như phối hợp với LHCĐ Na Uy tổ chức hội thảo "Công tác phát triển đoàn viên và kỹ năng thương lượng của cán bộ CĐ tại cơ sở" cho 70 Chủ tịch CĐ khu vực ngoài nhà nước; tổ chức đối thoại giữa CNLĐ và ban giám đốc doanh nghiệp để NLĐ hiểu và thông cảm hơn với DN, sẵn sàng chia sẻ khó khăn trước mắt của DN. Hai bên giữ vững mối quan hệ lao động hài hòa, tất cả vì DN và đời sống NLĐ. CĐ vừa là cầu nối, vừa là người gần gũi nắm rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như thực tế đời sống của CNLĐ tại các cơ sở. Làm tốt vai trò của mình, CĐ giúp được sự gắn kết trong DN, động viên được NLĐ kịp thời.  

Tuyên dương 110 cán bộ công đoàn xuất sắc

Trong 2 ngày 28 và 29/7, Tổng LĐLĐ Việt Nam tuyên dương 110 cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) đại diện cho 619.307 cán bộ CĐCS trong toàn quốc lần thứ 2. Trong 110 đại biểu có tới 100 người thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.