Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
Theo chân cán bộ Hội phụ nữ xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, tôi có mặt tại nhà chị Bùi Thị Thấn, một điển hình của hộ nông dân thoát nghèo từ nguồn vốn vay NHCSXH. Nhìn cơ ngơi khang trang với những đàn gà đẻ, gà thịt đầy vườn, không ai nghĩ gia đình chị đã có một thời xếp vào hộ đói nghèo. 28 tuổi, chồng mất, cuộc sống của chị Thấn đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn. Một mình với đứa con thơ 2 tuổi, chị đầu tắt mặt tối cùng 5 sào ruộng. Năm 2009, chị được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng với lãi suất 0,3%/tháng. Với số vốn ít ỏi này chị dành mua 1 con lợn nái. Từ con lợn giống ban đầu, chị đã phát triển thành một đàn lợn với thu nhập tháng được 1 - 2 triệu đồng tiền lãi. Rồi chị chuyển sang chăn nuôi gà đẻ, gà thịt… Từ 10 triệu đồng vốn vay ngày ấy đã giúp người phụ nữ đơn côi một mình nuôi con ăn học vươn lên thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều cá nhân, hộ gia đình tại xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: Đinh Trang
Số liệu từ NHCSXH huyện Mỹ Đức cho thấy, tính đến ngày 30/9, đã có hơn 14.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ trên 201 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo 67 tỷ đồng, học sinh sinh viên 68 tỷ đồng, giải quyết việc làm 29 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường 22,5 tỷ đồng, nhà ở 4,4 tỷ đồng, dự án bò sinh sản 1,7 tỷ đồng… Trung bình mỗi năm, huyện Mỹ Đức có khoảng 250 cá nhân, hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ đồng vốn chính sách, số hộ nghèo giảm từ 2 - 3%. Ngoài ra, vốn chính sách còn hỗ trợ rất lớn cho việc học hành của con em nông dân.
Bà Trịnh Thị Mai Dung, Tổ trưởng Tổ kế hoạch Nghiệp vụ Tín dụng NHCSXH huyện Mỹ Đức cho biết, việc trả nợ của người dân rất tốt, nợ quá hạn không nhiều. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng thông qua các hội, đoàn thể đứng ra bảo lãnh vay vốn như Hội phụ nữ xét duyệt chặt chẽ, cẩn thận các đối tượng được vay vốn cũng như đôn đốc việc thu hồi nợ liên tục, nên tình trạng nợ quá hạn là không nhiều.
Cần nâng mức cho vay với thời hạn dài
Từ hạn mức cao nhất cho vay năm 2009 là 10 triệu đồng/hộ, con số này hiện đã là 20 triệu đồng/hộ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, mức cho vay này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và thực tế cuộc sống. Như trường hợp chị Thấn, với 10 triệu đồng vốn chính sách được vay năm 2009, chị chỉ đủ mua một con lợn nái và đầu tư một ít vào chuồng trại. "Nếu có thêm vốn, tôi có thể đầu tư mua thêm giống, quay vòng sản xuất nhanh hơn, hiệu quả kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn. Như vậy, khả năng và thời gian thoát nghèo cũng sẽ được rút ngắn"- chị Thấn nói.
Theo ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức, với 5 hay 10, thậm chí 15 triệu đồng, người nghèo có khi chưa đủ để mua một con bò tốt chứ chưa nói đến việc đầu tư vào chuồng trại, thức ăn. "Đồng vốn cho vay phải đủ để người dân thực hiện một công việc tương xứng nào đó, nếu không sẽ diễn ra tình trạng vốn chính sách chỉ xóa đói trước mắt mà không giảm được nghèo."- ông Hải nói. Ông Hải cũng đề xuất, nên nâng hạn mức cho vay để đáp ứng với tình hình thực tế cuộc sống hiện nay.
Việc kéo dài thời gian cho vay cũng là vấn đề được nhiều người dân đặt ra. Lý do là vì sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh, thời gian quay vòng vốn khá dài, nên thay vì chủ yếu cho vay ngắn hạn như hiện nay, nhiều người mong được vay với thời hạn dài hơn. Mặt khác, phần đông người nghèo không có tài sản thế chấp nên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng cường hình thức tín chấp thông qua các tổ chức đoàn thể, xã hội để người nghèo được tiếp cận nguồn vốn.
Hiện, NHCSXH đang thông qua các đoàn thể để xét duyệt các cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện được vay vốn. Các tổ chức này sẽ đứng ra bảo lãnh cho người nghèo vay vốn. Cán bộ hội có trách nhiệm phối hợp cùng cán bộ NHCSXH đôn đốc, thu hồi nợ.
Mô hình cho vay hộ nghèo với sự chặt chẽ từ khâu xét duyệt đến đôn đốc, thu hồi nợ từ NHCSXH cũng là bài học cho việc thẩm định và kiểm soát chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại hiện nay, để nợ xấu ngân hàng không tăng cao do một thời gian dài thủ tục cho vay quá dễ dãi.