Nâng hiệu quả giám định tư pháp: Tăng cơ chế phối hợp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tiễn, ý kiến các bộ, ngành, địa phương đề nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) phải đáp ứng hơn nữa yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Theo Bộ Tư pháp, qua hơn 7 năm thi hành Luật Giám định tư pháp 2012, trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đặc biệt là phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
 Cơ quan công an tiến hành giám định tư pháp. Ảnh: Hồng Thái
Liên quan hoạt động giám định tư pháp tại Hà Nội, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP Hà Nội) Đinh Văn Quyết cho biết, trong năm 2020, Phòng Kỹ thuật hình sự được trang bị 2 phòng thí nghiệm tại trụ sở 40 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm). Trong 2 năm 2019 - 2020, UBND TP Hà Nội đã cấp 170 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để thực hiện công tác giám định. Công an TP đã hoàn thành dự án “Trang bị phương tiện cho lực lượng kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội”, đến nay các thiết bị, máy móc, phương tiện được trang bị cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Với những trang thiết bị được Bộ Công an, UBND TP Hà Nội trang cấp, đã góp phần từng bước hiện đại hóa lực lượng kỹ thuật hình sự. “Tuy nhiên, lực lượng giám định kỹ thuật hình sự tại Hà Nội hiện có 96 cán bộ, trong đó 47 giám định viên hằng năm giải quyết khoảng 8.000 vụ, trong khi, các vụ việc giám định rất lớn, đặc biệt giám định hóa, ma túy chiếm khoảng 4.400 vụ. Nhiều cán bộ thường xuyên làm quá giờ, số giám định viên còn thiếu so với yêu cầu công tác nên cần thiết phải tăng cường thêm lực lượng” - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự Đinh Văn Quyết thông tin.

Trong khi đó, theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, số lượng giám định viên tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, do giám định tư pháp là công việc đặc thù, điều kiện, môi trường làm việc không thuận lợi, chế độ chính sách đãi ngộ chưa tương xứng nhưng trách nhiệm pháp lý của người thực hiện giám định rất cao nên khó khăn trong việc thu hút, tuyển dụng người làm công tác giám định tư pháp, nhất là trong lĩnh vực giám định pháp y. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp, cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các sở, ngành quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp có đôi lúc còn chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng giám định tư pháp. Đội ngũ người tiến hành tố tụng chưa được quan tâm trang bị những kiến thức kỹ thuật cần thiết về giám định tư pháp nên gặp khó khăn trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ, chính xác, đúng tiến độ Luật được Chính phủ giao. Trong đó, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, quan tâm bố trí điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho công tác giám định tư pháp. Các ý kiến được Bộ Tư pháp ghi nhận, làm cơ sở tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm xử lý các vướng mắc, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Giám định tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám định tư pháp trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần