Trên cương vị nước chủ nhà, Tổng thống Pháp Francois Hollande không thể không mời ông Putin. Nhưng Phương Tây lại đang nỗ lực cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính và thương mại. Để hạ thấp uy danh và thể diện của Nga, Phương Tây đã tẩy chay Hội nghị cấp cao nhóm G8 do Nga tổ chức trên cương vị chủ tịch đương nhiệm của nhóm G8 và đã phục hồi lại khuôn khổ diễn đàn cấp cao của G7 - lần đầu tiên kể từ 16 năm nay. Sự hiện diện của ông Putin ở Pháp khiến họ khó xử. Về chính trị, lãnh đạo các nước Phương Tây ở đó không muốn tiếp xúc và trao đổi với ông Putin, nhưng về thông lệ ngoại giao thì lại không thể không làm việc đó. Bởi vậy, họ chọn cách từng người gặp riêng ông Putin với thái độ lạnh nhạt và giữ khoảng cách, đưa ra yêu sách muốn ông Putin đáp ứng nhiều hơn là thuyết phục ông Putin thay đổi quan điểm. Nhìn từ giác độ chính trị thì những cuộc tiếp xúc của ông Putin ở đó vừa là một thành công ngoại giao của ông Hollande vừa là thắng lợi của ông Putin trong việc đối phó với tình trạng bị cô lập về chính trị. Ngay cả việc gặp tân Tổng thống Ucraine Petro Poroschenko cũng là một nhượng bộ của ông Putin nhằm mục đích đó. Trong thực chất, những cuộc trao đổi giữa Phương Tây và ông Putin ở đó chưa giúp làm thay đổi được gì trong cả những vấn đề hiện tại ở Ucraine lẫn mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây. Từ hiện tượng "nặng hình thức mà nhẹ thực chất" này có thể thấy hai phía vẫn chủ ý giữ cầu quan hệ chứ không đối đầu nhau đến cùng làm quan hệ đổ vỡ. Cả hai đều dành dư địa để cùng lùi khi có cơ hội mà không bị mất thể diện.