Theo đó, từ vị trí 68/140 trong báo cáo GCR giai đoạn 2014 – 2015, Việt Nam đã tăng hạng lên 56 vào năm nay. GCR đánh giá Việt Nam đạt 4,3 điểm về năng lực cạnh tranh. Trong khi đó mức điểm của top 10 dao động từ 5,443 - 5,76 và mức điểm của nhóm 10 nền kinh tế “đội sổ” trong khoảng 2,84 - 3,32.
Trong danh sách các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm nay, ba vị trí đầu tiếp tục là Thụy Sĩ, Singapore và tiếp sau là Mỹ. Tuy vậy, trong tổng số 140 nền kinh tế được xếp hạng, đã có nhiều sự hoán đổi vị trí đầy ngoạn mục.
Cụ thể, Hà Lan được coi là quốc gia có đột phá mạnh nhất trong tốp 10 khi vượt lên vị trí thứ 5 từ thứ 8 trong báo cáo năm ngoái. Ngược lại, Brazil trở thành quốc gia tụt hạng thê thảm nhất, rớt 18 bậc xuống vị trí thứ 75 – cũng là nước có năng lực cạnh tranh thấp nhất trong nhóm BRICS. Tuy nhiên, Ấn Độ lại là điểm sáng khi tăng 16 bậc, leo lên vị trí thứ 55, ngay trước Việt Nam.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37), và Philippines (47). Tuy vậy, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí cao hơn so với một số nước cùng khu vực khác như Lào (83), Campuchia (90), hay Myanmar (131). Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 28 với 4,89 điểm.
Định nghĩa về năng lực cạnh tranh của báo cáo GCR 2015 là “tập hợp thể chế, chính sách và nhân tố quyết định năng suất của một nền kinh tế, dựa vào đó đánh giá mức độ thịnh vượng một quốc gia có thể đạt được”. Những tiêu chí này bao gồm các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, cải tiến và môi trường vĩ mô.
Theo báo cáo, dù phần lớn các nền kinh tế đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vẫn có dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong quá khứ. Theo báo cáo, so sánh với tốc độ tăng trưởng năng suất của 10 năm qua với thập kỷ trước đó, thậm chí nhiều nền kinh tế lớn đang chứng kiến sự giảm sút, ngoại trừ Ấn Độ và Trung Quốc.