Năng lượng tái tạo từ ánh nắng mặt trời - xu hướng đảm bảo sự phát triển bền vững

Quỳnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh các nguồn năng lượng như dầu mỏ, than đá... sẽ sớm đạt "mức trần" về khả năng khai thác, việc chuyển hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo là xu hướng đảm bảo cho sự phát triển bền vững, cũng như bảo vệ hành tinh, chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là việc mà các chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới đang thúc đẩy thực hiện. Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện đang triển khai chuyển đổi có lộ trình việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời trên hệ thống 12 trang trại của mình.

Hệ thống năng lượng mặt trời tại một trang trại của Vinamilk.

Nguồn năng lượng tái tạo đến từ ánh nắng/sáng mặt trời
Trên thế giới, từ đầu những năm 1980, Đức đã bắt đầu phát triển mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp ở những trang trại quy mô gia đình. Với hàng loạt chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo từ chính phủ, cùng nhiều lợi ích được thụ hưởng từ nguồn năng lượng tái tạo này, ngày càng có nhiều hộ dân và trang trại ở Đức đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Sau Đức, nhiều quốc gia khác như Nhật, Pháp, New Zealand cũng dần đẩy mạnh khai thác năng lượng điện mặt trời trong lĩnh vực nông nghiệp, bắt đầu từ những trang trại quy mô nhỏ đến những dự án thương mại quy mô lớn. Các mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp về sau cũng dần đa dạng hơn theo nhịp phát triển của xã hội, từ việc lắp đặt các hệ thống bên trên mái trang trại cho đến lắp đặt bên trong các nhà kính hay trên các trang trại nổi trên mặt biển, sông hồ...
Còn tại Việt Nam, nhờ nằm ở vị trí địa lý thuận lợi trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, Việt Nam được thừa hưởng một lượng lớn ánh nắng mặt trời, giúp chuyển hóa nguồn quang năng của tự nhiên thành điện năng phục vụ đời sống, sản xuất, và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Vì vậy, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng đánh giá cao "nguồn năng lượng bền vững của tạo hóa" này. Theo số liệu từ Bộ Công thương, gần 5.000MW công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành trong ba năm vừa qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Năng lượng mặt trời tại các trang trại bò sữa nhằm thúc đẩy phát triển bền vững
Tại công ty Vinamilk, sau quá trình khảo sát, thí điểm, Vinamilk đã bắt đầu triển khai việc sử dụng năng lượng mặt trời tại tất cả các trang trại bò sữa (TTBS) từ năm 2020. TTBS Organic Đà Lạt là đơn vị đầu tiên được triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái của các khu vực chuồng trại; kết quả cho thấy có gần 60.000 kWh điện năng/năm đã được tái tạo và giảm đáng kể lượng khí CO2 thải ra môi trường (số liệu năm 2020).
Hệ thống năng lượng mặt trời tại trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả.

Sau đó, Vinamilk tiếp tục lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời giai đoạn 1 tại các trang trại còn lại ở tỉnh Lâm Đồng, TTBS Bình Định và TTBS Quảng Ngãi. Trong đó, TTBS Quảng Ngãi ước tính sẽ có công suất và lượng điện sản xuất lớn nhất sau khi hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, đến thời điểm này, đã có 5/12 trang trại bò sữa của Vinamilk chuyển đổi sang điện mặt trời với tổng lượng điện ước tính đạt hơn 19 triệu kWh, giúp giảm hơn 17,3 triệu kg khí CO2 phát thải.
Theo lộ trình được Vinamilk xây dựng, khi năng lượng mặt trời được sử dụng trên quy mô 12 trang trại cả nước, tổng công suất có thể đạt hơn 54 MWp, giảm hơn 62 triệu kg khí CO2 mỗi năm gây hiệu ứng nhà kính thải ra bầu khí quyển, con số tương đương với khả năng hấp thụ của hơn 3,4 triệu cây xanh được trồng.
Trang trại Vinamilk Quảng Ngãi đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống năng lượng mặt trời.
Ngoài năng lượng mặt trời, Vinamilk cũng chú trọng sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn về năng lượng. Vinamilk còn tiên phong nghiên cứu, đầu tư các hệ thống sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Đó là các dây chuyền, máy móc thiết bị nhập khẩu từ EU/G7 với các tiêu chuẩn khắt khe về khí thải, cải tạo hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED thay thế cho bóng sợi đốt/huỳnh quang, sử dụng robot chạy điện thay thế dần các động cơ diezel, các phần mềm giám sát năng lượng để phân tích tối ưu hóa nhu cầu tiêu thụ, tổn thất, phần mềm tính toán vận hành để tăng hiệu suất máy móc thiết bị...
Tất cả đều nhằm góp phần giảm lượng điện tiêu thụ dẫn tới giảm áp lực cho hệ thống điện lưới quốc gia và lượng khí CO2 đáng kể so với các phương pháp cũ trước đây. Các giải pháp được Vinamilk ứng dụng với quy mô lớn trên toàn bộ hệ thống trang trại đã và đang góp phần tích cực trong việc sử dụng năng lượng bền vững, giảm dấu chân carbon trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
Năm 2021, song song với việc đưa các dự án trang trại mới đi vào hoạt động, Vinamilk sẽ triển khai một loạt các dự án liên quan đến định hướng phát triển bền vững cho các trang trại bò sữa.
Đây được xem là hướng đi không chỉ giúp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại, chuẩn quốc tế mà còn bền vững và tạo dựng các giá trị chung theo những mô hình về phát triển bền vững của thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần