Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nặng lý thuyết, thiếu chiều sâu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 17/4, Đoàn giám sát của Văn phòng Chủ tịch nước đã khảo sát thực trạng việc dạy học đạo đức tại một số trường phổ thông Hà Nội. Không ít ý kiến cho rằng, giáo dục đạo đức chưa được coi trọng, chương trình lại nặng về lý thuyết, thiếu chiều sâu…

1 tiết/tuần là quá ít

Những năm qua, ngoài chú trọng vào chuyên môn, Sở GD&ĐT Hà Nội còn triển khai đồng bộ và hiệu quả các cuộc vận động "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", các phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"… đồng hành cùng việc dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân (GDCD).

Tuy nhiên, một số giáo viên cho rằng, dạy đạo đức có số tiết quá ít, nội dung ôm đồm khiến cho việc học chưa đạt hiệu quả. Chương trình giảng dạy môn học Đạo đức cho học sinh (HS) tiểu học là 35 tiết/năm, được bố trí 1 tiết/tuần. Với cấp THCS và THPT thì môn GDCD cũng được dạy 1 tiết/tuần, song được tích hợp nhiều nội dung như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục trật tự ATGT… Bà Mai Nhị Hà, Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: “Đối với môn Đạo đức, GDCD, 1 tiết/tuần là quá ít. Vì ở tiểu học mỗi bài đạo đức có 2 tiết, để giảng xong một bài đạo đức, giáo viên (GV) phải dạy 2 tuần nên rất khó khăn cho HS trong tiếp thu bài giảng. Ngoài ra, các GV ngoại thành còn bị hạn chế trong việc tự bồi dưỡng kiến thức giảng dạy và thậm chí nhiều gia đình HS cũng chưa quan tâm đến môn học này".

Nặng lý thuyết, thiếu chiều sâu - Ảnh 1

Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Ảnh:  Văn Phúc

Nói về thực trạng quá tải chương trình sách giáo khoa hiện nay, đại diện Phòng giáo dục THPT (Sở GD&ĐT, Hà Nội) cho hay, việc lồng ghép các môn học chưa hiệu quả. Điển hình HS lớp 11 học một số nội dung về kinh tế đã cũ, HS lớp 12 phải học về chính sách pháp luật rất vất vả. Thế nên, ít nhất mỗi tuần có 2 tiết GDCD là hợp lý - đại diện Phòng giáo dục THPT kiến nghị.

Cần sự gắn kết của 3 “nhà”

Hôm nay (18/4), đoàn tiếp tục khảo sát một số trường ở Hà Nội. Hà Nội là một trong số 15 tỉnh mà Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện khảo sát, để lấy thực tế cho cuộc hội thảo toàn quốc về vấn đề này dự kiến tổ chức trong tháng 5 tới.

Bà Lý Thị Hương, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Để thực hiện những yêu cầu về giáo dục đạo đức cho HS, ngay từ đầu năm học, trường đã triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức cho HS được tích hợp trong hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể. Đặc biệt, trường mở văn phòng tư vấn học đường ngay tại trường giúp giải tỏa tâm lý sinh lý HS". Tuy nhiên, lãnh đạo trường Ngô Sỹ Liên cho rằng, cần xem lại nội dung chương trình, không nhất thiết phải quá nhiều lý thuyết, làm sao để phù hợp với lứa tuổi. "Có kế hoạch đến các trường phổ thông, mở phòng tư vấn học đường, có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ phụ trách Đoàn - Đội trong các trường phổ thông. Đặc biệt, với GV dạy bộ môn GDCD, cần có chế độ đãi ngộ hợp lý" - cô Hương kiến nghị.

Giải pháp nâng cao hiệu quả của môn GDCD mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra là có tổ cộng tác viên hỗ trợ thày cô. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cần có sự gắn kết của 3 “nhà" là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của HS theo chuẩn mực giá trị chung của xã hội. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho HS. Cần sớm khắc phục tình trạng giáo dục đạo đức được giao phó cho nhà trường. Tấm gương đạo đức của cha mẹ, người thân trong gia đình cũng như tấm gương đạo đức của thày cô giáo luôn có tác dụng giáo dục, hiệu quả hơn ngàn vạn cuốn sách về đạo đức cho dù HS đã được học thuộc. "Giáo dục đạo đức chỉ khả thi ngay trong cuộc sống của gia đình, trong học đường và phải bằng hành động ngoài xã hội" - ông Thống nhấn mạnh.