Bài học giao thông đầu tiên được dạy cho các em mẫu giáo tưởng chừng như đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại có rất nhiều người tham gia giao thông không tuân thủ. Vượt đèn đỏ dường như đã trở thành một thói quen xấu đối với nhiều người khi tham gia giao thông, và hậu quả đôi khi phải đổi bằng cả tính mạng.
Ý thức kém, hành động sai
Trong văn hóa tham gia giao thông của một bộ người dân Hà Nội, tình trạng vượt đèn đỏ phổ biến tới mức khiến nhiều người quên rằng đó là hành động vi phạm luật. Dù biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng một người, vài người, thậm chí cả đám đông vẫn “vô tư” vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác cũng vượt và hơn hết là vì không có CSGT. Hành vi này đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy như: TNGT, cản trở giao thông, ách tắc giao thông.
Theo thống kê của Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội, vượt đèn đỏ là lỗi vi phạm chủ yếu trong những đợt tiến hành xử phạt các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua camera. Không chỉ tay lái ô tô mà còn rất nhiều người điều khiển xe máy cũng lao lên, đứng đè vạch sơn trắng và chực chờ phóng vút khi đèn tín hiệu vẫn chưa chuyển sang màu xanh. Không ít trường hợp, người điều khiển phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành việc dừng đèn đỏ lại phải chịu đựng sự lườm nguýt, thậm chí cả những lời “chửi bới”, “dọa nạt” của những người phía sau. Đặc biệt, tại nhiều ngã tư trong nội thành Hà Nội, vào các khung giờ cao điểm, lợi dụng lúc lực lượng CSGT đang tập trung vào nhiệm vụ chính là hướng dẫn, phân luồng đảm bảo cho các phương tiện lưu thông thì có những thanh niên đi xe máy ngang nhiên vượt đèn đỏ, phóng rất nhanh, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Giao lộ đang đông đúc, chỉ một hành vi sai phạm dù nhỏ, cũng đủ tạo thành nguyên nhân xảy ra tai nạn, ùn tắc nghiêm trọng. Hành vi này lặp đi lặp lại thường xuyên trở thành một thói quen xấu và ăn sâu vào trong ý thức của nhiều người tham gia giao thông.
Tìm hiểu về ý thức của người dân các nước khác trên thế giới về ý thức chấp hành quy định đèn tín hiệu mới hiểu vì sao số vụ TNGT nước ta lại cao hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới. Tại quốc đảo sư tử Singapore, việc các phương tiện giao thông đứng chờ đèn tín hiệu để cho người đi bộ qua đường tại nhiều ngã tư xa lộ lớn diễn ra nghiêm túc và văn minh. Dù thời gian chờ đèn tín hiệu ở đây rất lâu, lại không có người đi bộ đi qua, nhưng lái xe vẫn rất tuân thủ việc chấp hành đèn tín hiệu. Rõ ràng, đừng đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam còn chưa đồng bộ, bởi vì hạ tầng giao thông bên Lào còn kém hơn, nhưng ý thức của người dân rất tốt, do đó tỷ lệ TNGT và vi phạm của người dân Lào cũng thấp hơn Việt Nam.
Nâng chế tài xử phạt
Trong nhiều năm qua, việc tổ chức tuyên truyền việc quy định đèn tín hiệu luật lệ khi tham gia giao thông nói riêng diễn ra rất rộng rãi, không những các cơ quan truyền thông tốn rất nhiều công sức để đưa tin về vi phạm giao thông mà các tổ chức chính trị xã hội cũng đã vào cuộc. Điều đó chứng tỏ công tác tuyên truyền đã được làm rất tốt, nhưng tình trạng vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống chứng tỏ ý thức đại bộ phận người dân còn yếu kém. Ý thức thường trực đó thì dù tuyên truyền nhiều nhưng không ăn sâu vào tâm trí, do đó bây giờ chỉ có “đánh roi vào mông” để người dân nâng cao ý thức chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đồng nghĩa với việc đánh thật “đau” vào tài chính. Theo đó, quy định hành vi cố tình vượt đèn đỏ sẽ bị tăng mức xử phạt lên gấp 10 lần, lỗi càng nhỏ mức phạt tiền càng cao.
Đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc theo dõi các vi phạm vượt đèn đỏ, giảm thiểu TNGT và UTGT là một biện pháp cần thực hiện ngay, nhất là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay như tăng cường camera ghi hình để xử phạt, quản lý từng số xe một để phạt nguội. Xử phạt các phương tiện giao thông qua hình ảnh của camera hay còn gọi là phạt “nguội” nhằm hạn chế tiêu cực và nâng cao hiệu quả đã được áp dụng từ lâu tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam hình thức xử phạt phải được đẩy mạnh hơn nữa. Ngay từ bây giờ, cần đầu tư chất lượng hệ thống camera tại các ngã tư để ghi lại hình ảnh, đặc điểm, biển số xe vi phạm. Nếu lắp được camera nhiều trên đường phố, chắc chắn rằng ý thức người tham gia giao thông sẽ được nâng lên rõ rệt vì người dân sẽ tự định hình được mình đi trên đường có camera giám sát.
Theo đó, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xác minh, gửi giấy mời chủ phương tiện lên giải quyết xử lý vi phạm giao thông theo hình thức xử phạt qua hình ảnh. Đối với những trường hợp lái xe ô tô vi phạm vượt đèn tín hiệu nhiều lần đề nghị nếu là xe kinh doanh chở khách thì sẽ cắt không cho vào TP, đối với taxi sẽ đề nghị tịch thu phù hiệu. Đối với trường hợp là ô tô và xe máy của cá nhân nếu cố tình vi phạm, tùy theo mức độ quy định của pháp luật có thể sẽ xử lý tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện mới đủ sức răn đe. Ban đầu cách thức này có thể còn gặp nhiều khó khăn nhưng dù khó thì vẫn phải làm để nâng cao ý thức của người dân và đảm bảo ATGT trên những cung đường.
Rất dễ bắt gặp hình ảnh một số người tham gia giao thông vượt đèn đỏ dừng đỗ lên phần dành cho người đi bộ. Ảnh: Công Hùng
|