Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đặc sản từ liên kết vùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đã gia nhập thị trường chung và thực hiện các cam kết FTA, TPP, EAC… là cơ hội cho đặc sản vùng miền mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm quan gian hàng tại hội chợ.	 Ảnh: Hoài Nam
Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm quan gian hàng tại hội chợ. Ảnh: Hoài Nam
Nhưng để làm được việc này đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tăng cường liên kết vùng miền… qua đó tiêu thụ sản phẩm. Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đặc sản vùng miền Việt Nam thông qua liên kết vùng” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức (ngày 27/11).

Rất ít sản phẩm ý thức xây dựng thương hiệu

Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cho thấy, từ năm 2008, Việt Nam đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia, 750 các mặt hàng đặc sản khác nhau, qua đó đem lại thu nhập, việc làm cho hơn 10 triệu lao động.
Những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của các sản phẩm đặc sản vùng miền xuất phát từ sự thiếu liên kết mang tính hệ thống trong quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các địa phương, DN cũng chưa quan tâm nhiều đến thiết kế và phát triển sản phẩm, thiếu liên kết liên khu vực để xây dựng hệ thống cung ứng, phân phối tại thị trường trong nước và quốc tế. Những tồn tại này có vai trò rất quan trọng của các tổ chức xúc tiến địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú

Trong thời gian tới, các địa phương nên xây dựng các điểm bán hàng đạt chuẩn, khuyến khích các nhà hàng sử dụng 100% các sản phẩm đặc sản địa phương như một điểm đến cho khách du lịch. Ngành công thương các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ DN trong việc cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng gia tăng giá trị, thân thiện với môi trường.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội
Nguyễn Thị Mai Anh

Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng cũng như nhu cầu đối với các đặc sản vùng miền Việt Nam là rất lớn nhưng việc phát triển các sản phẩm này hiện còn nhiều hạn chế. Cụ thể, nhận thức về tiềm năng phát triển của loại sản phẩm này chưa đầy đủ, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài trên quan điểm xây dựng tiêu chí cho sản phẩm và thương hiệu đặc sản tại mỗi địa phương. Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và các đại biểu có chung ý kiến: Yêu cầu thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Tuy nhiên, hiện rất ít sản phẩm đặc sản đăng ký, bảo hộ, xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì, quy trình công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường... Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DN, sản phẩm thấp, việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Thậm chí một số sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương đang dần bị mai một.

Thực tế cho thấy, do sự hạn chế về vốn, quy mô sản xuất, kinh doanh, trình độ quản trị và nghiệp vụ xúc tiến thương mại của các cơ sở sản xuất nên nhiều đặc sản vùng miền chưa tiếp cận được phương thức và các kênh phân phối hiện đại để đến với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiệu quả bất ngờ nếu biết cách làm

Muốn đẩy mạnh việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đòi hỏi các địa phương, DN sản xuất đặc sản vùng miền cần tăng cường hơn nữa hoạt động liên kết, nhất là những tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm: Ngay từ năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu với các tỉnh miền Đông - Tây Nam Bộ, qua đó tạo cơ hội cho DN ký kết hơn 800 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá trị giao dịch trên 19.000 tỷ đồng/năm. Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Bá Ngọc - Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng: DN trong quá trình sản xuất đặc sản địa phương cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể thay vì lập kế hoạch từng năm. Cùng với đó, cần có các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quy mô quốc gia và tiến đến hội chợ vùng miền quốc tế để tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đặc sản. Đồng thời thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối thông qua các trung tâm phân phối đặc sản vùng miền tại các TP lớn, các trung tâm du lịch... trên cơ sở liên kết các vùng miền. Ông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest cũng đưa ra đề xuất, nên xây dựng chợ đặc sản vùng miền theo mô hình chợ truyền thống nhưng đổi mới trong phong cách phục vụ. Đặc biệt, chợ phải có kho chứa hiện đại, an toàn, giao hàng nhanh chóng, tin cậy và được quản lý chất lượng. “Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các địa phương phải đẩy mạnh liên kết, từ đó hình thành hệ thống cung ứng hàng hóa và phân phối, đảm bảo yêu cầu chất lượng, xuất xứ sản phẩm” - ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.

Ý kiến của các đại biểu cho thấy Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 do UBND TP Hà Nội chủ trì là một trong những hoạt động thiết thực hỗ trợ DN sản xuất đặc sản vùng miền tiếp xúc trực tiếp với các DN bán lẻ, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
120 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2015
Tối 27/11, tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng đã đến dự lễ khai mạc Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2015.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thời gian qua, TP Hà Nội đã chủ động ký kết và triển khai nhiều biên bản hợp tác với các tỉnh, thành nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Từ năm 2014, TP đã chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội tổ chức chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng, miền Việt Nam với mục đích hỗ trợ DN quảng bá đặc sản các vùng, miền tại thị trường Hà Nội; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo ra hoạt động kết nối ý nghĩa và thiết thực giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng; đồng thời, bảo đảm cung ứng hàng hóa giữa các địa phương, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đây là năm thứ hai Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, thu hút được sự quan tâm của 120 DN trong cả nước. Các sản phẩm đặc sản của các vùng, miền quy tụ tại Hội chợ rất phong phú, đa dạng. Ngoài các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền được giới thiệu tại Hội chợ, Hà Nội cũng giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô một số sản phẩm đặc sản như hạt sen trần, cốm Vòng, giò chả Ước Lễ, nem Phùng, bánh cốm…