Cơ hội để bứt phá mục tiêu một triệu DN
Có thể nói, các DN đang đứng trước rất nhiều cơ hội để bứt phá khi Việt Nam đã và sẽ tham gia nhiều caCó thể thấy nền kinh tế của Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, cơ hội mở ra cho các DN là rất lớn nhưng cũng đòi hỏi họ phải tự nâng tầm, nâng cấp mình để tương xứng với xu thế của thế giới.m kết quốc tế. Xin ông nói rõ hơn về những cơ hội này?
- Trước hết, các cơ hội đang mở ra về thị trường rộng lớn gấp hàng chục lần quy mô dân số cả nước, thu nhập cao, sức mua lớn, mang tính toàn cầu. Đồng thời, cơ hội để tiếp cận với nguồn vốn đầu tư lớn, thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao là những nguồn lực mà DN Việt Nam rất thiếu. Nếu tận dụng triệt để cơ hội này, những lợi thế của DN Việt Nam kết hợp với lợi thế về quy mô thị trường nước ngoài, vốn đầu tư lớn và nhân lực, kinh nghiệm quản lý hiện đại… cũng như các mô hình kinh doanh thông minh có khả năng tạo ra một cuộc cách mạng trong phát triển đối với DN Việt Nam.
Tuy nhiên làn sóng hội nhập đang đến, tác động cộng hưởng của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những áp lực cực lớn với cả cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân?
- Đúng vậy. Cùng với tác động của hội nhập, cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư đang đưa nhân loại đến một trình độ mới của việc sử dụng tư liệu sản xuất, đặc biệt là tài nguyên số hóa và trí tuệ nhân tạo. Cuộc cạnh tranh về đổi mới, sáng tạo diễn ra gay gắt hơn. Điều này đòi hỏi DN và doanh nhân không được chậm trễ trong việc kết nối chuỗi cũng như nhanh chóng đổi mới tư duy để thích nghi hiệu quả.
Theo ông, mục tiêu có 1 triệu DN hiệu quả vào năm 2020 có khả thi trong bối cảnh môi trường kinh doanh, thể chế như hiện nay?
- Môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian gần đây được cải thiện và ngày càng tiếp cận với những yêu cầu của môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao nhất. Các loại thủ tục nhiêu khê và nhiều chi phí phi chính thức ngày càng được bộc lộ rõ ràng làm tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh, buộc các địa phương phải cải thiện và điều chỉnh. Nhiều chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh từ các tổ chức đánh giá trong nước và tổ chức quốc tế càng làm tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh và đây là căn cứ để một Chính phủ phục vụ phát huy vai trò tối đa.
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thành lập mới 500.000 DN, Hà Nội thành lập 400.000, Đà Nẵng đặt mục tiêu 22.000 DN đến năm 2020. Còn 60 địa phương khác chỉ cần thành lập mới 78.000 DN là đạt con số 1 triệu DN. Hơn nữa, với làn sóng khởi nghiệp khá rầm rộ hiện nay, cũng như nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong đó có cả DN đổi mới sáng tạo đang tạo điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu trên. Với áp lực mở cửa thị trường, áp lực việc làm, cạnh tranh trong hội nhập con số 1 triệu DN chẳng những hoàn toàn có thể thực hiện được mà có thể còn tăng lên.
Hội nhập cũng đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng đối phó với mọi rủi ro từ các cuộc khủng hoảng từ bên ngoài nền kinh tế. Chính phủ và các DN cần làm gì để nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính nhằm kịp thời đối phó với những biến động của dòng vốn, và những ảnh hưởng lây lan từ khủng hoảng tài chính của một nước khác trong khu vực?
- Việc hội nhập sâu rộng làm tăng độ mở của nền kinh tế, do đó chịu tác động lớn của khủng hoảng. Thực tế cho thấy các cuộc khủng hoảng diễn ra mang tính chu kỳ như cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2008… cho thấy vai trò giám sát thị trường tài chính đặc biệt quan trọng, thậm chí mang tính “sống còn” đối với sự ổn định thị trường trong nước. Các hành vi có thể gây ra khủng hoảng bao gồm: Cho vay dưới chuẩn, đầu cơ bong bong bất động sản, tăng trưởng tín dụng cao bất thường, tình trạng tín dụng đen, nợ xấu ngân hàng tăng cao, tỷ lệ DN làm ăn thua lỗ lớn…
Việc thành lập bộ phận cảnh báo sớm khủng hoảng để cung cấp các dự báo khả năng khủng hoảng xảy ra nhằm có biện pháp khống chế cả từ phía DN và Chính phủ, xây dựng cơ chế dự phòng tác động bất lợi khủng hoảng, cơ chế đồng hành chính phủ, ngân hàng, DN, nhà đầu tư để các mục tiêu của từng đối tượng hữu quan đều được đáp ứng cũng như để theo dõi, giám sát hành vi lẫn nhau, có biện pháp giảm thiểu tình trạng nợ xấu, áp dụng các biện pháp chống đầu cơ.
Đồng thời, chính sách tài chính - tiền tệ và tỷ giá cần bám sát thị trường, có thể điều chỉnh linh hoạt vào thời điểm cần thiết để tránh những tác động bất ngờ từ thay đổi nhanh chóng của thị trường tài chính toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy những chính sách cứng nhắc thường dẫn đến những điều chỉnh đột ngột gây tác động ngoài dự đoán cũng như có thể tận dụng những tác động của khủng hoảng để thu lợi ích.
Không còn “cửa” cho DN sống bằng “quan hệ”
Liên minh, liên kết là cách thức để các DN Việt Nam tăng cường sức mạnh, cạnh tranh với các DN ngoại. Song vẫn có 1 bộ phận không nhỏ DN kinh doanh bằng “quan hệ”, “đi đêm, đánh lẻ” để có hợp đồng. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới hình ảnh DN và môi trường kinh doanh chung?
- Đó là cách thức kinh doanh khó có thể tồn tại lâu dài khi quá trình mở cửa ngày càng rộng và triệt để, môi trường kinh doanh càng công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng gia tăng giữa các DN trên thị trường trong và ngoài nước. Các DN kinh doanh bằng “quan hệ”, “đi đêm, đánh lẻ” làm xấu đi đáng kể hình ảnh về môi trường kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng rút lui của các DN ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tìm địa điểm đầu tư có lợi hơn. Việc làm đó cũng dần dần bị phơi bày trước sự minh bạch và công khai kể cả những tổ chức, cá nhân tiếp tay cho kiểu kinh doanh đó “chẳng chóng thì chầy” cũng sẽ bị phát giác, lật tẩy kể cả bị tẩy chay trước cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế. Hệ thống thông tin rộng rãi và tiếp cận thuận lợi hiện nay là công cụ khá lợi hại và sắc bén để chỉ ra kiểu kinh doanh “tù mù” trên. Nếu DN tham gia vào chuỗi giá trị hay chuỗi cung ứng được tổ chức chặt chẽ mà có kiểu kinh doanh trên đây chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng “đứt chuỗi”, tự loại mình ra khỏi chuỗi. Do đó, các DN cần có sự lựa chọn tối ưu nhất trong điều kiện của DN mình với tầm nhìn dài hạn.
Theo ông, các hiệp hội ngành nghề hiện nay đã làm tốt vai trò kết nối DN – DN, DN - cơ quan quản lý, phổ biến thông tin hội nhập kinh tế quốc tế cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, các rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu?
- Có thể khẳng định, nhiều Hiệp hội ngành nghề hiện nay đã có những cố gắng vượt bậc trong kết nối các chủ thể liên quan, phổ biến thông tin và kinh nghiệm đối phó vụ kiện quốc tế, thông tin về các rào cản thương mại so với trước thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều cam kết quốc tế được Việt Nam phê chuẩn, trong đó có những cam kết trong các hiệp định thương mại thế hệ mới mang tính toàn diện cao nhất bao gồm cả cam kết phi thương mại thì vai trò của Hiệp hội cần được phát huy cao hơn nữa để đáp ứng những yêu cầu về hội nhập ngày càng khắt khe. Đặc biệt cần xây dựng hệ thống thông tin đa chiều, có tác dụng mạnh hơn và cập nhật hơn, cụ thể hơn về thị trường thế giới để cung cấp giá rẻ thậm chí miễn phí cho cộng đồng DN. Hiệp hội cần tăng tính chủ động, tích cực, mức độ sẵn sàng cao hơn trong tiếp cận với DN cũng như cần có đội ngũ chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn cao, hiểu sâu sắc cam kết và tác động cụ thể của chúng đối với DN để hỗ trợ lúc cần thiết kể cả các hỗ trợ mang tính đón đầu. Cần tăng tính thường xuyên trong “kề vai, sát cánh” giữa Hiệp hội và DN để cả hai cùng phát triển trong hội nhập.
Xin cảm ơn ông!