Song, điều mà tôi vẫn luôn băn khoăn, tự đặt câu hỏi trước cuộc sống thường nhật mà khó tìm ra câu trả lời chính xác, rằng: Đến bao giờ, nước mình giảm bớt nỗi đau TNGT, khi hàng ngày có khoảng 30 người mãi mãi ra đi không báo trước?
Bước vào năm thứ nhất đại học, tôi run rẩy khi đứng trước biển báo giao thông đang sáng xanh với thông điệp “bạn được sang đường rồi đấy”, nhưng đôi chân khoẻ khoắn, mạnh dạn đã chạy qua bao nhiêu con đường đất đỏ theo lũ bạn thả diều, băng qua bao cánh đồng chăn trâu, cắt cỏ… dường như đã bị khuất phục bởi giao thông hỗn loạn. Giờ đây, gắn bó với nơi này 4 năm, tôi đã dần quen với môi trường giao thông và có thể nói tôi không còn là cô bé ngây thơ, sợ sệt ngày nào nữa. Tôi cũng giống như bao người khác, cố đi thật nhanh để thể hiện mình, vượt đèn đỏ, rồi lao lên vỉa hè, phóng nhanh cho kịp giờ đến lớp. Nhưng là một cô giáo tương lai, tôi sẽ nói gì, dạy gì cho học trò của mình khi chính bản thân mình lại là người không chấp hành luật giao thông? Tôi còn nhớ cách đây không lâu, trong một phóng sự thực tế, những du khách nước ngoài đã nói với nhau rằng: “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”. Nghe xong, tôi chỉ cảm thấy đó là một câu nói hài hước, đùa vui. Nhưng ngẫm lại, đó có thể là sự thật về trải nghiệm của du khách khi sang đường trên phố Hà Nội. Khi chứng kiến toàn cảnh bức tranh giao thông Việt Nam trước mắt thì câu nói hài hước của du khách nước ngoài không đủ để hình dung nữa, mà thay vào đó là câu hỏi đầy chua xót và ám ảnh của nhà báo Quản Hồng Đức: “Trung bình, mỗi ngày Việt Nam có 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên đường. Và tử thần sẽ gọi tên ai trong số chúng ta?”. Có bao nhiêu vụ tai nạn, thiệt hại vật chất và tính mạng bao nhiêu, ta đếm được nhưng chẳng có thước nào, máy nào đo nổi những gì là vết thương vĩnh hằng mà những vụ tai nạn đau thương kia đã khoét sâu vào nhân tâm những gia đình, người thân nạn nhân của nó, của ngành giao thông. Đã không đo đếm được, vậy hãy xin thừa nhận, mỗi một mạng người mất đi cũng là sự thất bại của xã hội, của ngành giao thông. Thực trạng này không phải hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên đột ngột như sét giữa trời quang, mà là những nhát cứa lên vết thương chưa lành miệng vẫn còn đang rỉ máu và nhiễm trùng đã năm qua tháng lại. Chúng ta còn muốn chôn chân trong thất bại tới bao giờ nữa, hay lại phải trực diện nhìn vào những vụ tai nạn tăng lên từng giờ? Đường lối không phải chưa có, vẫn là 3 yếu tố chính là con người, cơ sở hạ tầng và khâu quản lý. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa ghi nhận được sự chuyển biến lớn nào. Bằng chứng là đường sá vẫn xuống cấp, kém chất lượng, CSGT vẫn cắm chốt đều nhưng tài xế vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, sát hạch giấy phép lái xe quá dễ dàng, kiểm định làm qua loa. Dù vậy, cơ sở hạ tầng cần thời gian, quản lý sai phạm cũng không phải ngay lập tức mà trơn tru được, chỉ có ý thức con người là cấp bách lắm rồi và làm lúc nào cũng là cần thiết. Nói đi nói lại vẫn chỉ có làm sao cho nhận thức, ý thức, trách nhiệm, văn hóa, văn minh, đạo đức, tự trọng của người tham gia giao thông được nâng cao lên. Ở các cấp giáo dục, đó là thay đổi toàn diện những điều bất cập được chỉ ra trong suốt thời gian qua. Còn với chung toàn xã hội, cần tuyên truyền, vận động nhưng phải tuyên truyền làm sao để người dân thấy đây không còn là chuyện của luật lệ mà là chuyện của đạo đức con người. Cái được coi là bắt buộc nên đứng sau đạo đức, bởi đạo đức chính là yếu tố thực sự có sức mạnh điều chỉnh hành vi của con người. Đạo đức khiến người ta biết kiềm chế bản thân, có ý thức nhận thức một cách đầy đủ để muốn hành động trước khi sự việc xảy đến với mình một cách không thể né tránh. Khiến người ta thấy rằng bảo vệ người khác cũng là bảo vệ chính mình. Tạo hóa ban cho con người đôi chân để di chuyển, nhưng cũng ban cho bộ óc để phát minh ra cả ngàn thứ phương tiện đi lại và chuyên chở. Hệ thống giao thông hiện đại ngày nay tất thảy đều do con người tạo nên, lợi ích hay tác hại của nó gây ra không những tác động trực tiếp mà còn có nguyên do khởi phát từ chính con người. Khối óc con người đã phát minh ra hệ thống giao thông thì một đòi hỏi thiết yếu đặt ra rằng, khối óc ấy cũng phải có ý thức để sử dụng hiệu quả và an toàn hệ thống này. Đi lại trên con đường văn minh hiện đại mà lại điều khiển phương tiện bằng bản năng một cách thiếu văn hóa và tư tưởng ích kỷ trục lợi cá nhân thì chỉ có hại mình, hại người mà thôi. Có ý kiến cho rằng, những gì còn là bất cập, thiếu nghiêm minh và còn tạo cơ sở để diễn biến trở nên trầm trọng hơn của pháp luật thì chỉ còn cách chỉnh sửa hoặc dẹp bỏ. Cách cải thiện đúng đắn nhất là thay thế những cái sai bằng một việc đúng khác. Tính răn đe trong điều luật phải luôn sẵn sàng cho trường hợp đạo đức không cứu vãn được, đó là thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn, là tăng án phạt với các hình thức vi phạm, đồng thời tương quan giữa các án phạt phải tỷ lệ thuận với mức độ sai phạm gây ra… Trong khu vực của chúng ta có những nước có luật và ý thức chấp hành luật giao thông có thể coi là hình mẫu lý tưởng như Singapore hay Nhật Bản, những nước mà thành công của họ không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng được đầu tư kỹ lưỡng và hiện đại – thứ chúng ta chưa lập tức mà theo được. Vậy nên trước tiên, bên cạnh thay đổi điều luật, hiển nhiên ta còn phải học hỏi nghiêm túc ý thức và văn hóa giao thông của họ để quyết liệt chống TNGT trên mỗi nẻo đường. Tất cả chúng ta đều trông thấy hậu quả khôn lường cũng như những mất mát không đo đếm được mà TNGT gây ra. Chúng ta mang trái tim con người, biết đau xót cảm thương. Chúng ta đủ sáng suốt và quyết tâm để hành động ngay bởi thảm cảnh đen về những bi ai, mất mát do tai nạn đang không ngừng đe dọa cuộc sống, tương lai bình yên của mỗi người.
Hạn chế TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông. Ảnh: Hải Linh |