Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ném đã dò đường?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trái với thông báo sẽ hoãn chuyến thăm tới Trung Quốc được đưa ra hồi tuần trước, ngày 9/5 Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid vẫn thực hiện chuyến công thăm Trung Quốc hai ngày nhằm hàn gắn mối quan hệ đang bị sứt mẻ bởi các tranh chấp biên giới thời gian gần đây.

Trước đó, chính Ngoại trưởng Khurshid đã nhấn mạnh, việc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến sâu thêm 19km vào phía Bắc Ladakh - khu vực lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ là một “vết ung nhọt” trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi rút quân được New Dehli đưa ra từ 1/5, Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự được mô tả là “vấn đề cục bộ” tại khu vực tranh chấp. Theo các nhà quan sát, cuộc xâm nhập táo bạo giúp Trung Quốc kiểm soát được diện tích bằng nửa TP New Delhi được coi là động thái “ném đá” dò đường của Bắc Kinh trước chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 20/5 tới.
 
Ném đã dò đường? - Ảnh 1
Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid

Điều khiến dư luận quốc tế ngạc nhiên là đến thời điểm này, Ấn Độ vẫn đang duy trì trạng thái cân bằng lâu nhất có thể nhằm tránh leo thang quân sự, ngay cả khi phần mà PLA đóng quân là cao điểm chiến lược kiểm soát ngã 3 biên giới Trung Quốc - Pakistan - Ấn Độ. Nguyên nhân ban đầu được cho là có thể do New Delhi muốn khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại giữa Trung - Ấn. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 69 tỷ USD, nhưng Trung Quốc đã xuất khẩu sang Ấn Độ đã chiếm tới 54 tỷ USD. Nếu không đạt được các thỏa thuận nhằm hối thúc Bắc Kinh mở cửa thị trường cho hàng hóa của Ấn Độ hơn nữa, New Delhi chắc chắn sẽ tiếp tục bị thua thiệt. Vì thế sự hiện diện tại Bắc Kinh của Ngoại trưởng Khurshid cũng được cho là một động thái "dò đường" của New Delhi. Sự kiềm chế, thậm chí xuống nước này rất có thể sẽ đem lại lợi thế nhất định trong các cuộc đàm phán mở đường để những tập đoàn dược phẩm, công nghệ thông tin của Ấn Độ được đầu tư, kinh doanh tại Trung Quốc.

Một cuộc khủng hoảng ngoại giao Trung - Ấn đã không xảy ra, nhưng khu vực dọc biên giới 4.000km giữa hai nước hiện vẫn đang được đặt trong tình trạng có nguy cơ bùng phát xung đột cao bất chấp việc quan hệ Trung - Ấn đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây khi hai nước láng giềng trở thành thành viên chủ chốt của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS. Tuy nhiên, những mâu thuẫn và nghi kỵ xung quanh đường ranh giới không chính thức phân định lãnh thổ hai nước tồn tại từ năm 1962, được gọi là Đường kiểm soát thực tế vẫn chưa được dàn xếp ổn thỏa. Và rất có thể, khi đã đạt được các thỏa thuận về kinh tế với Bắc Kinh, New Delhi có thể sẽ có hành động cứng rắn hơn với một phương án là cắt đứt đường tiếp tế của quân đội Trung Quốc tới khu vực chiếm đóng. Khi đó, sự ổn định, an ninh của khu vực sẽ đứng trước một thử thách hiểm nguy mới.