Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên có chính sách khuyến khích đầu tư vào bảo trợ xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các y, bác sĩ BV Mắt Hà Nội tư vấn các bệnh về mắt cho người cao tuổi xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ). Ảnh Văn Chiến

Ngày 25/3, đoàn khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc với TP Hà Nội về tình hình thực hiện luật người cao tuổi và luật người khuyết tật, sau khi kiểm tra thực tế công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật tại huyện Gia Lâm, quận Bắc Từ Liêm.

 
Các y, bác sĩ BV Mắt Hà Nội tư vấn cho người cao tuổi xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ). Ảnh Văn Chiến
Kinhtedothi - Các y, bác sĩ BV Mắt Hà Nội tư vấn các bệnh về mắt cho người cao tuổi xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ). Ảnh Văn Chiến
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2014, Hà Nội có 728.343 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 10,5% dân số, trong đó có 625.510 người là hội viên Hội người cao tuổi. Hàng năm, có gần 70.000 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và trên 82.000 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/ lần. TP cũng cấp thẻ BHYT miễn phí cho trên 400.000 người cao tuổi thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người mù có hoàn cảnh khó khăn.... Trong công tác thực hiện Luật Người khuyết tật, các chế độ chính sách  được triển khai đầy đủ, kịp thời. Hiện, toàn TP có 93.162 người khuyết tật, trong đó, 1.370 người khuyết tật đang được chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của TP...

Mặc dù Hà Nội đã điều chỉnh mức trợ cấp xã hội với người cao tuổi, người khuyết tật cao hơn so với quy định của T.Ư, nhưng lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho rằng: Vẫn chưa bảo đảm đời sống của  tất cả các đối tượng thụ hưởng, nhất là đối với người khuyết tật đặc biệt nặng. Việc xây dựng các công trình mới, sửa chữa cải tạo nhà chung cư, đường giao thông để người khuyết tật dễ tiếp cận còn chậm; chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Riêng với điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm bảo trợ xã hội hiện nay, Hà Nội có đủ điều kiện tiếp nhận 100% người cao tuổi có nhu cầu (năm 2014, đã tiếp nhận 535 người cao tuổi thuộc hộ nghèo già yếu, cô đơn vào nuôi dưỡng tại 3 Trung tâm Bảo trợ xã hội của TP; nuôi dưỡng 321 người cao tuổi tại các Trung tâm chăm sóc người cao tuổt ngoài công lập), nhưng theo quy định của Luật Người cao tuổi và các văn bản hiện hành, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, có hộ khẩu Hà Nội, không có điều kiện sống tại cộng đồng mới được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ của TP.

Trong khi đó, nhiều đối tượng do được hưởng trợ cấp, có thu nhập 1 triệu  đồng/tháng đồng (trên mức chuẩn nghèo) có nhu cầu, lại không  đủ điều kiện được xét duyệt, dù khoản thu nhập này không đủ để họ vào sống tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi theo hình thức tự nguyện với mức đóng góp tối thiểu 5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cần  xem xét, bỏ điều kiện người cao tuổi thuộc hộ nghèo khi xét nhận người cao tuổi vào các trung tâm bảo trợ xã hội.

Ghi nhận kiến nghị này của Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị TP nên có chính sách khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế, tổ chức cá nhân đầu tư vào công tác bảo trợ xã hội. Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều mô hình Hội người cao tuổi và người khuyết tật hoạt động hiệu quả, do đó thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò của các Hội trong công tác thực hiện luật người cao tuổi và luật người khuyết tật trên địa bàn thành phố…