Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên công bố trần lãi suất huy động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong tình hình giá cả thị trường đang tương đối ổn định như hiện nay, việc công bố “trần” lãi suất huy động như trên sẽ không gây ra phản ứng từ phía người gửi tiền.

KTĐT - Trong tình hình giá cả thị trường đang tương đối ổn định như hiện nay, việc công bố “trần” lãi suất huy động như trên sẽ không gây ra phản ứng từ phía người gửi tiền.

Có “trần” đối với lãi suất cho vay thì nhất thiết phải có “trần” đối với lãi suất huy động. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chuyện lãi suất cơ bản là nút thắt khiến thị trường đang chịu nhiều áp lực.

Một trong những lý do đầu tiên mà các doanh nghiệp (DN) đưa ra khi tăng giá sản phẩm, dịch vụ là việc lãi suất vay vốn tăng cao. Thực tế có không ít DN phải vay vốn đến 20%/năm.

Nên công bố trần lãi suất huy động

Khái niệm “lãi suất cơ bản” cần được nhìn nhận lại - ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã nhấn mạnh như vậy.

Thực chất đây chỉ là “trần” lãi suất cho vay. Chúng ta phấn đấu mãi mới bỏ được việc can thiệp bằng biện pháp hành chính về lãi suất, được áp dụng từ năm 2003.

Tuy vậy, vào những thời điểm cần thiết, chính phủ nhiều nước vì lợi ích của toàn xã hội vẫn can thiệp vào thị trường bằng cách quy định các “trần” về giá, lãi suất không được vượt qua.

Còn với Việt Nam, ông Trần Xuân Giá cho rằng không nhất thiết phải tồn tại cái gọi là “lãi suất cơ bản”. Ngân hàng Nhà nước có thể quy định “trần” lãi suất cho vay hoặc khung lãi suất cho vay.

Nhưng phải áp dụng đồng bộ, có “trần” hoặc “khung tối đa, tối thiểu” đối với lãi suất cho vay thì nhất thiết phải có “trần” hoặc “khung tối đa, tối thiểu” đối với lãi suất huy động.

Khi đó, ngân hàng huy động được vốn và điều quan trọng là lãi suất cho vay không quá cao, quá sức chịu đựng của DN cũng như nền kinh tế.

Theo tinh thần đó, bên cạnh việc tăng lãi suất cơ bản lên 1%, tức lãi suất cơ bản 8% áp dụng từ ngày 1-12-2009 mà thực chất chỉ là “trần” lãi suất cho vay không được vượt quá 12%/năm, Ngân hàng Nhà nước nên công bố đồng thời “trần” lãi suất huy động, thí dụ không vượt quá 9% hay 9,5%/năm.

Nếu không làm như vậy, tôi cho rằng chỉ một thời gian ngắn nữa, có thể thị trường sẽ trở lại căng thẳng như trước khi tăng lãi suất cơ bản.

Trong tình hình giá cả thị trường đang tương đối ổn định như hiện nay, việc công bố “trần” lãi suất huy động như trên sẽ không gây ra phản ứng từ phía người gửi tiền. Khi tình hình trở lại bình thường, ta dỡ bỏ các quy định mang tính hành chính này” - ông Trần Xuân Giá đề nghị.

Doanh nghiệp cần tham gia tái cấu trúc kinh tế

Nhìn tổng thể nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế đánh giá năm 2010 vẫn còn không ít khó khăn. Theo ông Trần Xuân Giá, có ba vấn đề đã trở thành các điểm tắc nghẽn lớn cho sự phát triển, đó là: Thể chế kinh tế thị trường; nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng.

Do vậy, mục tiêu đạt tăng trưởng con số 6,5% trong năm nay là khả thi nếu nhanh chóng triển khai chương trình tái cấu trúc kinh tế nhằm khắc phục những mặt yếu cơ bản nói trên.

Tái cấu trúc nền kinh tế gồm tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản phẩm ngành nghề, sắp xếp và cấu trúc lại DN nhà nước…

Ông Trần Xuân Giá nhấn mạnh: Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề lâu dài nhưng phải làm từ bây giờ. Phải xem đây là nhiệm vụ số một của cả nước nếu muốn phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Khắc phục những yếu kém này không chỉ là trách nhiệm của nhà nước ở tầm vĩ mô mà cộng đồng DN cũng phải ý thức được nhiệm vụ quan trọng của mình. Coi đây là tiềm năng to lớn, là dư địa để tăng trưởng và phát triển của cả nước, của từng DN trong năm 2010 và những năm tiếp theo.