Theo nhận định của Thường trực HĐND TP, có 5 nhân tố cần được đảm bảo cho hoạt động của HĐND: Vai trò và sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; năng lực hoạt động của các đại biểu (ĐB) HĐND; tổ chức bộ máy hoạt động của HĐND; bộ máy giúp việc và mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Trong đó, từ thực tế hoạt động HĐND các cấp, vấn đề được nhiều quận, huyện đề cập đến chính là năng lực hoạt động của ĐB, đây được coi là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng hoạt động của HĐND. Vấn đề nhiều ĐB băn khoăn chính là cơ cấu thành phần ĐB chưa hợp lý khi tỷ lệ ĐB làm việc trong cơ quan hành chính vẫn chiếm đa số, dẫn đến thiếu sự khách quan khi HĐND thực hiện chức năng giám sát.
Lãnh đạo HĐND quận Cầu Giấy nhận xét: Chính tỷ lệ ĐB là thành viên kiêm nhiệm của UBND nhiều dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Đại diện Thường trực HĐND huyện Sóc Sơn cho rằng: Ở địa phương, các vấn đề giám sát, chất vấn chủ yếu là thuộc về vai trò, trách nhiệm của UBND. Trong khi đó, ĐB phần lớn chịu sự quản lý của lãnh đạo UBND, nên hay có tâm lý nể nang, ngại va chạm, ít chất vấn. Chưa kể đến chuyện, có khi chính ĐB lại đang quản lý, chỉ đạo chính những vấn đề được đưa ra thảo luận hoặc chất vấn.
Phần lớn ý kiến đều cho rằng, để nâng cao năng lực hoạt động của ĐB, nên quy định cụ thể về cơ cấu theo hướng hạn chế ĐB là cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND để đảm bảo tính độc lập của HĐND. Đồng thời, nên tăng số ĐB chuyên trách, đặc biệt là người trẻ, có trình độ cho các ban của HĐND.
Hoạt động HĐND các cấp hiện nay cũng đang bị bó buộc bởi cơ chế. Nhiều ý kiến cho rằng, HĐND có hoạt động tích cực, chỉ ra trúng những hạn chế, sai phạm của cá nhân, cơ quan và đề xuất kiến nghị xác đáng… Nhưng tất cả chỉ được "kính chuyển" hoặc đề nghị xem xét, giải quyết hoặc đưa ra chất vấn tại kỳ họp hay chỉ lưu ý, nhắc nhở… do không có chế tài quy định trách nhiệm đối với nơi chịu sự giám sát một cách cụ thể. Do đó, rất cần ban hành Luật Hoạt động giám sát HĐND, với các chế tài xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân chưa thực hiện nghiêm các kết luận giám sát.
Đồng tình với thực tế về sự chưa hợp lý trong cơ chế hoạt động của HĐND các cấp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng: Trong khi Luật Hoạt động của HĐND; Luật Giám sát của HĐND và Luật Thi đua khen thưởng vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, TP đã ban hành Đề án 04/ĐA-TU về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; nghị quyết về giám sát. Đây là cơ sở để lấp "khoảng trống" về cơ chế. Chủ tịch HĐND TP đề nghị các quận, huyện tập trung xây dựng kế hoạch triển khai. Đồng thời, để nâng cao năng lực hoạt động của ĐB HĐND, Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị các quận, huyện chủ động trong bồi dưỡng kiến thức, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ cho ĐB. Cùng với đó, chuẩn bị một bước nguồn ĐB cho nhiệm kỳ tới phù hợp về cơ cấu, chất lượng.
Nhấn mạnh đến những vấn đề đặt ra trong quý II/2014, Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị HĐND các cấp phối hợp với UBND thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, năm trật tự văn minh đô thị, quản lý đầu tư, cải cách hành chính….; chuẩn bị tổ chức kỳ họp giữa năm của HĐND các cấp; tiếp tục thực hiện các đợt giám sát; tăng cường hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các kiến nghị của cử tri…
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Vũ
|