Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền kinh tế Việt Nam hiện khác hẳn với năm 2011

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Đây thực sự là một chuyển biến lớn, nhất là khi xét tới việc lạm phát cao và đồng tiền mất giá mạnh trong năm 2011 đã khiến giới đầu tư nghi ngờ về năng lực quản lý nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam”...

Báo cáo ngắn “Vietnam at a glance” vừa phát hành của ngân hàng HSBC tiếp tục đánh giá tích cực về những chuyển biến kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đã đạt được, tính tới thời điểm này.

Theo nhận định từ bản báo cáo, nền kinh tế Việt Nam hiện khác hẳn với năm 2011. Điều này được thể hiện qua một vài con số thống kê tiêu biểu như cán cân thương mại thặng dư, từ mức thâm hụt 9,8 tỷ USD trong năm ngoái; lạm phát hạ về mức một con số từ mức bình quân 18,6% trong năm 2011; và tỷ giá tiền đồng so với USD đã tăng được 0,8%, từ chỗ mất giá 7,9% trong năm 2011.
 
Nền kinh tế Việt Nam hiện khác hẳn với năm 2011 - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

“Đây thực sự là một chuyển biến lớn, nhất là khi xét tới việc lạm phát cao và đồng tiền mất giá mạnh trong năm 2011 đã khiến giới đầu tư nghi ngờ về năng lực quản lý nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam”, báo cáo có đoạn viết.

HSBC cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra được một quyết định đầy khó khăn, nhưng đáng hoan nghênh, là đặt vấn đề ổn định kinh tế lên trên tăng trưởng. Điều này có thể khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 5% trong năm nay, so với mức 5,9% trong năm 2011, nhưng HSBC tin rằng, đây là việc cần thiết để giảm nhiệt cho một nền kinh tế trước đó đã tăng trưởng quá nóng.

Báo cáo cũng đánh giá tích cực việc Chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận những vấn đề dài hạn của ngành ngân hàng, các doanh nghiệp quốc doanh và đầu tư công, xem đây là bước đi quan trọng đầu tiên.

“Chúng tôi vẫn đang thận trọng theo dõi những diễn biến cải cách tiếp theo nào của Việt Nam, nhưng cho rằng, bất kỳ bước cải cách lớn nào cũng cần phải có thời gian. Mặc dù vậy, những phát ngôn gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy kỳ vọng của chúng tôi đang đi đúng hướng: ưu tiên của Chính phủ là kiềm chế lạm phát để đưa Việt Nam trở thành một địa chỉ sản xuất thay thế cho Trung Quốc”, HSBC cho biết.

Theo báo cáo, trong tháng 11 vừa qua, các áp lực tăng giá giảm xuống cùng với chiến lược giảm giá đã giúp hỗ trợ cho doanh số của các công ty, đưa chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam do HSBC thực hiện tăng lên mức trên 50 điểm (mức độ cho thấy sự tăng trưởng), bất chấp nhu cầu của thị trường bên ngoài còn yếu. Việc chỉ số PMI tăng được HSBC nhận định là một tín hiệu tích cực về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu được kiềm chế và nguồn cung lương thực-thực phẩm dồi dào, HSBC cho rằng, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 11, từ mức tăng 7% trong tháng 10 đã phản ánh nhu cầu khởi sắc, dù với mức khiêm tốn, của thị trường trong nước.

Trong năm 2013, HSBC dự báo, lạm phát của Việt Nam vẫn sẽ trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm sau, nếu giá dầu tăng, tốc độ lạm phát có thể vượt mức dự báo trung bình 11% cho cả năm.

Về phương diện cán cân thương mại, báo cáo nhận định “một điều hiếm gặp” đã xảy ra: trong 11 tháng qua, Việt Nam thặng dư thương mại 14 triệu USD. HSBC cho rằng, nền kinh tế giảm tốc kéo theo nhu cầu của thị trường trong nước giảm, và năng lực lọc dầu của Việt Nam tăng đã giúp cải thiện cán cân thương mại.

Trong năm tới, HSBC dự báo, dù nhu cầu nội địa tăng, thì cán cân thương mại của Việt Nam vẫn khả quan hơn trước kia, bởi hoạt động đầu tư vào năng lực chế biến sẽ tiếp tục làm giảm chi phí nhập khẩu.

Báo cáo kết luận, tháng 11 là một trong những tháng “ngọt ngào nhất” trong năm 2012 này đối với kinh tế Việt Nam, và những thành quả đã đạt được “là rất cần thiết, xét tới những thách thức mà Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp, phải đối mặt tính tới thời điểm này”.