Thưa ông, Methadone không có tác dụng điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp như ma túy đá, thuốc lắc...?- Đúng, điều trị bằng thuốc Methadone rất hiệu quả cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện, nhưng không hiệu quả điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp như ma túy đá, thuốc lắc... Như vậy, khu vực nào chỉ có người nghiện ma túy tổng hợp, thì không nên triển khai cơ sở điều trị Methadone. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, tính đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, trong đó, nghiện ma túy tổng hợp chỉ chiếm 9,8%. Trong khi đó, số liệu báo cáo về người nghiện các chất dạng thuốc phiện lên tới 75,8%, thuốc phiện 2,7%, cần sa và nhiều loại ma túy khác 2%. Cho dù có sự thay đổi, thì số người nghiện heroine, chất thuốc phiện vẫn chiếm con số lớn. Do đó, tính sẵn có của cơ sở điều trị Methadone là cần thiết cho người nghiện khi họ có nhu cầu điều trị. Nghĩa là vẫn nên mở rộng cơ sở điều trị bằng Methadone?- Trên bình diện quốc gia, rất cần mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone bởi tính đến tháng 6/2017, cả nước mới chỉ điều trị thay thế bằng Methadone cho gần 52.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Như vậy, chưa đến 1/3 số người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị, còn hơn 100.000 người chưa được điều trị, nghĩa là nhu cầu còn rất lớn. Do vậy, các tỉnh, TP cần rà soát số người nghiện các chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương mình, để thiết lập các cơ sở để điều trị Methadone phù hợp. Theo quy định của Chính phủ, quận, huyện nào có từ 250 người nghiện chất dạng thuốc phiện trở lên, thì mở một cơ sở điều trị Methadone, nơi nào ít hơn 250 người thì đặt cụm liền kề giữa các huyện hoặc thiết lập điểm cấp phát thuốc Methadone vệ tinh.Hiệu quả của điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện chất dạng thuốc phiện đến đâu, thưa ông?- Nếu như trước khi tham gia điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng heroin, thì sau 24 tháng chỉ còn 15,87% bệnh nhân sử dụng. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Nếu trước điều trị, có trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 6 tháng điều trị, tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Phân tích tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm cho thấy, tỷ lệ giảm rõ rệt, chỉ còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị.
Bệnh nhân uống thuốc tại một cơ sở điều trị Methadone. Ảnh: Gia Tuệ |