Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền móng cho chăn nuôi bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa Trung tâm Phát triển chăn nuôi với nhà sản xuất và doanh nghiệp.

Thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, trên cơ sở các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của T.Ư và TP, thời gian qua, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các huyện, thị xã, các xã chăn nuôi trọng điểm cùng các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, hệ thống cửa hàng phân phối tiêu thụ sản phẩm để xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.
Ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa Trung tâm Phát triển chăn nuôi với nhà sản xuất và doanh nghiệp.
Kinhtedothi - Ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa Trung tâm Phát triển chăn nuôi với nhà sản xuất và doanh nghiệp.
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm từ sữa bò tươi, trứng gia cầm, thịt lợn được sản xuất từ các trại chăn nuôi quy mô lớn cho tới các sản phẩm chăn nuôi truyền thống của các địa phương như gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu. Các hoạt động xây dựng chuỗi tập trung vào khâu tổ chức sản xuất, ký kết hợp tác, xây dựng hồ sơ thiết kế chuỗi liên kết. Kết quả, Trung tâm đã xây dựng được 17 chuỗi liên kết với 3.025 thành viên tham gia; tổng cộng có 30 điểm giao dịch, 1.039 đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ 306 ngàn quả trứng; 9,65 tấn thịt lợn; 9,15 tấn gia cầm, 150kg thịt bò, 70 tấn sữa. Trong số các sản phẩm tham gia liên kết chuỗi, đã có 5 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu như sữa Ba Vì, trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ của trang trại Bảo Châu. Đặc biệt, sản phẩm thịt lợn Bảo Châu là sản phẩm đạt chứng nhận Oganic (thực phẩm hữu cơ), được chăn nuôi bằng thức ăn tự phối trộn và lên men sinh học, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh và các chất tăng trọng. Hiện, sản phẩm thịt lợn hữu cơ Bảo Châu đang được phân phối tại 6 cửa hàng với sản lượng trung bình từ 150 - 200kg/ngày. Ngoài ra, còn một số chuỗi đang trong quá trình xây dựng liên kết, có tiềm năng và tâm thế lớn, như: Chuỗi thực phẩm sạch cộng đồng Hà Nội (nòng cốt là 6 đơn vị sáng lập gồm: Công ty CP Công nghệ chế biến thực phẩm Vinh Anh; Công ty CP Sản xuất dịch vụ và thương mại Hoàn Dương; Cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Lan Vinh và 3 cơ sở chăn nuôi khác)…

Trong 17 chuỗi kể trên, phải kể đến các chuỗi mà Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đề xuất để có lộ trình thực hiện lâu dài. Đó là các sản phẩm: Gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt Đại Xuyên. Cho đến nay, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động đến các chuỗi. Bước đầu, năng lực liên kết của các chuỗi này là rất tốt. Cụ thể, chuỗi liên kết chăn nuôi-tiêu thụ gà mía Sơn Tây có 50 hộ tham gia chăn nuôi 60.000 con và đang lựa chọn doanh nghiệp để phát triển sản phẩm gà thịt; chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Ba Vì được liên kết bởi 83 hộ chăn nuôi gà tại các xã Thụy An và Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), với quy mô chăn nuôi thường xuyên 120.000 con; chuỗi liên kết chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn được liên kết bởi 62 hộ chăn nuôi tập trung chủ yếu tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, quy mô thường xuyên 60.000 con; chuỗi liên kết chăn nuôi vịt cỏ Vân Đình được liên kết bởi 42 hộ chăn nuôi vịt tại các xã Vạn Thái, Trầm Lộng, Phương Tú và thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa), quy mô chăn nuôi thường xuyên 60.000 con, sản lượng cung cấp ra thị trường mỗi ngày 1,5 tấn thịt vịt, doanh thu 90 triệu đồng/ngày... Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với Sàn giao dịch Rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm của chuỗi và giúp một số tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm với Hà Nội như thịt bò Cao Bằng, gà đồi Yên Thế (Bắc Giang)...

Hiện nay, trước sự hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì việc liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế là yêu cầu sống còn của ngành chăn nuôi chúng ta. Do vậy, thời gian tới, cần phải thúc đẩy sự liên kết phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu đối với tất cả những sản phẩm chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi hợp chuẩn.