Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên tích cực giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hiện đang sống và làm việc tại Nga nhưng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng dạy tại khoa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Nhân dịp ông về nước ra mắt tập thơ “Một thời tôi từng có” (ngày 5/11, tại Thư viện Hà Nội), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng về cuộc sống, sinh hoạt tại Nga và những sáng t

Ông nói thi ca là cây thánh giá để ông sẻ chia và vượt qua cuộc sống khó khăn ở nơi đất khách quê người?

- Những gì tôi viết đều được rút ra từ trong máu thịt của mình. Thi ca đối với tôi là cây thánh giá để sẻ chia nỗi lòng của người trong nước, người xa xứ, nhờ đó, dù có lúc phải chịu cảnh đói khổ tôi vẫn có thể vượt qua. Tôi đã dành những vần thơ tự đáy lòng để viết về nước Việt, quê hương tôi, về nước Nga, quê hương thứ hai của tôi và về cộng đồng người Việt tại Nga, một xã hội Việt Nam thu nhỏ, gần một phần ba thế kỷ bươn chải, mưu sinh.

 

Có phải vì vậy mà thơ của ông được nhiều người Việt xa xứ thuộc lòng?

- Tôi đã chứng kiến và được một số người bạn kể những câu chuyện cảm động về những người mến mộ thơ tôi. Đó là một chị nghiên cứu sinh ngành Tâm lý ở Viện Hàn lâm Nga đi bán hàng ngoài giờ để cải thiện cuộc sống nơi đất khách. Tôi không thể ngờ người phụ nữ gầy gò ấy lại có thể thuộc lòng cả hai tập thơ đầu của tôi. Hay một lần, trên đường đi công tác qua Đà Nẵng, tôi đã gặp một cô gái 21 tuổi bị mất đôi chân. Tôi thực sự xúc động khi cô gái tìm đến gặp tôi để cảm ơn vì tập thơ "Ngoảnh lại" đã mang đến cho cô tình yêu văn chương và giúp cô chiêm nghiệm cuộc đời… Tôi đến với thi ca như một sự hy sinh theo đúng nghĩa của nó, nhưng sự hy sinh đó không phải là vô ích, tôi đã được đền bù.

 

Nên tích cực giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài - Ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và Thư ký chính Hội cựu chiến binh liên vùng của các cựu binh chiến thanh Việt Nam - đại tá Voitko Dmitri Danhhilovic

Ở Nga, ông có thể sống được bằng nghề?

- Tôi được làm đúng chuyên môn yêu thích. Khi đang còn là một học sinh phổ thông, tôi đã từng "yêu đau đớn" (chữ dùng của Onga Becgon) những bài thơ Nga được dịch ra tiếng Việt của Puskin, Lermontov, Marina Xvetaeva…, rồi học văn học Nga, giảng dạy văn học Nga, bảo vệ luận án tiến sỹ về văn học Nga. Sau này, tôi ở lại làm cộng tác viên khoa học của trường Lômônôxốp, tham gia viết báo cáo, nhưng cũng không sống được bằng nghề. Ngoài ra, tôi cũng tham gia hoạt động xã hội tại Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Người Việt Nam ở Liên bang Nga… cũng làm văn phòng cho một trung tâm để sống, nhưng khá chật vật.

Ông là người tham gia tổ chức lớp học tiếng Việt tại trường 282 của Nga và trường đó cũng khó khăn về cơ sở vật chất và giáo trình tiếng Việt. Ông đang trăn trở điều gì?

- Theo tôi, nhà doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài nên đầu tư về đất nước, còn những nhà văn, nhà thơ Việt Nam thì nên đầu tư ngược trở lại, đem những giá trị tinh thần trong nước ra nước ngoài và bảo tồn giá trị đó. Đưa tiếng Việt, đưa phong tục tập quán tốt đẹp ra nước ngoài chính là giới thiệu văn hóa dân tộc mình.

Ông gửi gắm điều gì qua tập thơ "Một thời tôi từng có" ra mắt ngày 5/11?

- Tuyển thơ này thấm đẫm dấu vết hành trình hai mươi năm của tôi kể từ khi Liên Xô tan vỡ, nói như những nhà chính trị là "xã hội ngoài tầm kiểm soát". Đến hôm nay, nước Nga đã vươn lên với tầm cường quốc hùng mạnh như nó từng có. Băng qua những sự kiện, thời gian, là cảm hứng về thiên nhiên vĩnh hằng, huyền diệu của nước Nga, là tình yêu đối với nước Nga bao la không một mảy may vụ lợi, là nỗi lòng của một người con nước Việt xa nhà.

Xin cảm ơn ông!