Như vậy, việc cấp ưu đãi cần được xem xét kỹ hơn để tránh gây ra tác động xấu cho hệ thống thuế và ngân sách quốc gia. Những kết luận đáng chú ý này được đưa ra tại Hội thảo "Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động DN: Nghiên cứu từ Điều tra công nghiệp Việt Nam" do Bộ KH&ĐT và Tổ chức Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) tổ chức hôm qua (26/6).
Chưa tạo được khác biệt
Theo Báo cáo Điều tra công nghiệp Việt Nam thu thập từ gần 1.500 DN được UNIDO tiến hành, mặc dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng nhìn chung, các DN FDI ít gắn kết với thị trường trong nước hơn DN Việt Nam ở khía cạnh cung cấp và doanh thu. "Kết quả nghiên cứu cho thấy, DN FDI nhận được ưu đãi có tỷ trọng các yếu tố đầu vào nhập khẩu cao hơn và tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao hơn" - ông Brian Portelli - chuyên gia của UNIDO nói.
Ông Brian Portelli cũng nhấn mạnh, không có sự khác biệt lớn về kết quả hoạt động giữa DN FDI được ưu đãi và DN FDI không nhận được ưu đãi: "Nếu có thì chỉ là tiền lương trung bình của một lao động ở DN FDI được ưu đãi cao hơn so với DN FDI không được ưu đãi". Báo cáo còn cho thấy, các DN FDI trong khu công nghiệp được nhận ưu đãi đầu tư có kết quả hoạt động tốt hơn các DN Việt Nam, nhưng không tốt hơn DN FDI trong cùng khu công nghiệp không được ưu đãi. Ngoài ra, cũng không có sự khác biệt nào về năng suất lao động khi so sánh giữa DN FDI được nhận ưu đãi và DN FDI không được nhận ưu đãi.
Ở cấp độ các tỉnh, kết luận tương tự cũng được đưa ra trong quá trình điều tra. Tại Bình Dương, các DN FDI được ưu đãi tuy tạo được nhiều việc làm nhưng DN FDI không được nhận ưu đãi lại có kế hoạch đầu tư dài hạn hơn. Tại Hà Nội, khung chính sách hỗ trợ tài chính đã phát huy hiệu quả tốt vì các công ty được nhận ưu đãi nói chung có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn các công ty khác về mọi chỉ số.
Phải ưu đãi có chọn lọc
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhiều khuyến nghị chính sách đã được UNIDO đưa ra cho Việt Nam, trong đó có việc cấp ưu đãi một cách có chọn lọc. Theo đó, việc cấp ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi tài chính cần gắn liền với các dự án đầu tư cụ thể và phải được thực hiện đồng thời với công tác giám sát có hiệu quả. Nguyên nhân là vì cấp ưu đãi đầu tư là một chính sách rất tốn kém có thể tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế và những hạn chế về ngân sách quốc gia.
Đánh giá cao các khuyến nghị của UNIDO, ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam thời gian qua bị chi phối nhiều bởi khuynh hướng hội nhập và phân cấp. Các chính sách ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ tài chính trực tiếp do chính quyền địa phương thực hiện và cấp cho DN. Kết quả là đã không thành công trong việc thu hút đầu tư về địa bàn có kinh tế - xã hội khó khăn như kỳ vọng, không thành công trong việc thu hút đầu tư vào công nghệ cao, phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, có một lĩnh vực mặc dù không được hưởng ưu đãi gì nhưng vẫn tăng trưởng rất nhanh, đó là bất động sản. Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài đồng tình cho rằng, phải xem xét cấp ưu đãi đầu tư trên cơ sở đàm phán, không cấp tùy tiện mà sẽ dựa trên bộ khung nhất định, mục tiêu và tiêu chí cấp rõ ràng và phải được giám sát chặt chẽ.
Góp ý về chính sách ưu đãi đầu tư, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, Việt Nam nên tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao nguồn nhân lực để thu hút đầu tư thay vì sử dụng chính sách ưu đãi. Đặc biệt, ưu đãi đầu tư nước ngoài không nên dẫn đến việc giảm dòng đầu tư trong nước mà ngược lại, kích thích dòng đầu tư trong nước tăng phải là ưu tiên hàng đầu.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Linh Anh
|
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 6,85 tỷ USD. Trong đó, có 656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,85 tỷ USD và 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm 1,99 tỷ USD. Các DN FDI đã giải ngân được 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013. |