Với lối viết ưa "xài" điển tích điển cố, vận dụng cách kể chuyện từ các thể loại văn chương nối vào vấn đề ngày nay cần nói, Nguyễn Việt Hà đã lột tả gần như trọn vẹn tính cách đàn ông phố cổ. Chân dung của bọn con trai phố cổ anh miêu tả mang cả hình ảnh của Hà Nội, lẫn đặc trưng của con trai đất Bắc. "Bọn con giai phố cổ khi có vợ bỗng trở nên hiền lành, tuy gia trưởng nhưng bọn chúng chung thủy, ít "mèo mỡ", hầu hết đều sống chung với cơn lũ hôn nhân cho đến cuối đời, mặc dầu cái thứ lãng mạn trót cưa được kia đích thực là một của nợ". Có lẽ vì thế mà anh, người chỉ nể mặt chứ chưa biết sợ ai, lại nằng nặc cho vợ lên đầu. Và bởi cái chung thủy suốt đời một vợ kiểu giai phố cổ, cho nên anh đã phong chàng đó là anh hùng, khi ba lần cưới vợ.
Nhà văn "sợ" vợ còn khắc họa một số chân dung mà sau này nếu may mắn sẽ là một chủ đề cho giới mê hội họa như: Nhóm cao bồi già (hiện có rất nhiều ở quán café cóc khu Nhà hát Chuông vàng); bọn con giai phố cổ, "bọn này đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa lọt được vào đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi, những gã đạp xe không chậm lắm, mặt lành lạnh nửa vui nửa như bất cần"... Anh còn giới thiệu cả một số tuýp nhân vật của thời hiện đại như: Đàn ông có "cạc", là những ông nhà văn kiêm nhà thơ kiêm giáo sư, tiến sĩ, kiêm trưởng hội và phó trưởng hội của rất nhiều hội; đàn ông hoài cổ, nói nôm na là "nhớ cũ", và mười phần trong nỗi nhớ dung dị ấy thì đến bảy tám phần là bồi hồi run rẩy…
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, cuốn sách của Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh với đủ thành phần, từ đám đông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu. Tình ở một Hà Nội với những gã trai phố cổ mà như tác giả đã viết, "… bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội". Nguyễn Việt Hà cho rằng, đó là "linh hồn" của thành phố này, vừa giễu "thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo một bản sắc riêng".
Cuốn tản văn cũng chính là chân dung tự họa của Nguyễn Việt Hà, một gương mặt văn chương nổi bật của Hà Nội lúc giao thời hai thế kỷ và cho đến tận bây giờ, khi hàng ngày truyền thông "nghiện" nói về sự biến mất của cốt cách Hà Nội. "Con giai phố cổ" có "nồng độ" Hà Nội đậm đặc, giúp người đọc hiểu rõ hơn về những quán bia phố cũ.
Nguyễn Việt Hà tung tẩy từ vỉa hè này sang cột điện kia khiến cho Hà Nội trong văn anh nhộn nhịp gấp bội. Và bất kỳ ai cũng nhặt ra được vô số triết lý mang tinh thần đường phố Thủ đô: "Nào đã ai thấy hai cái nhà mặt phố Hà Nội nào giống hệt nhau đâu?". 60 tạp văn, mỗi bài chỉ trên dưới nghìn chữ nhưng các góc đời sống phố cổ đã xoay vần nhiều ngả. Chất hồn hậu bộc toạc, ưa chiêm nghiệm, nghĩ ngợi của nhà văn gốc Hà Thành làm người đọc thêm yêu Hà Nội.