Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Nếu thật cần thiết, sẽ tăng dự trữ bắt buộc"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 9/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, dù chưa sử dụng đến công cụ dự trữ bắt buộc, nhưng nếu thật cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính đến phương án này.

KTĐT - Ngày 9/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, dù chưa sử dụng đến công cụ dự trữ bắt buộc, nhưng nếu thật cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính đến phương án này.

Bởi, chỉ cần tăng 1% dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước sẽ rút về hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cửa khép nhanh hơn

Chưa năm nào như đầu năm nay, chỉ trong vòng ba tuần, Ngân hàng Nhà nước phải hai lần điều chỉnh tăng lãi suất chủ chốt.

Theo Quyết định 379/QĐ-NHNN ban hành ngày 8/3, các lãi suất chủ chốt như tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng được nâng lên mức 12%/năm.

Trong khi ở lần điều chỉnh ngày 17/2, mức tăng lãi suất tái cấp vốn là từ 9%/năm lên 11%/năm; còn ở lần điều chỉnh 8/3, lãi suất tái chiết khấu tăng mạnh từ 7%/năm lên 12%/năm.

Đánh giá về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất (tái cấp vốn, chiết khấu, OMO) lên mức cao, trong khi đó, lãi suất huy động trên thị trường bị khống chế ở mức 14%/năm; tiếp theo, luồng tiền ra - vào thông qua 2 nghiệp vụ tái cấp vốn và OMO được giám sát chặt chẽ không như với với thời kỳ nới lỏng nên các ngân hàng thương mại sẽ khó khăn xoay xở nguồn vốn kinh doanh.

Ông cho biết thêm, còn một công cụ nữa là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong trường hợp thật cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc sử  dụng. Theo đó, chỉ cần nâng 1% tỷ lệ dự  trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước sẽ rút về hàng chục nghìn tỷ đồng. “Công cụ này có tác dụng tức thì, ảnh hưởng nhanh, mạnh đến thanh khoản của các ngân hàng, và vì cần có thời gian cho các ngân hàng chuẩn bị để thích ứng, nên Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng chúng vào lúc này”, Thống đốc nói.

Tuy nhiên, theo ông, cùng với chính sách tiền tệ thì  chính sách tài khóa phải hợp lực mạnh mẽ hơn nữa. Tính toán của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong năm nay, nếu chỉ tiêu tín dụng giảm 3% thì lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế giảm tương đương 70 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, thông điệp giảm chi tài khóa của Chính phủ đã rõ ràng: giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP thay vì 5,3% GDP; giảm chi tiêu thường xuyên của Chính phủ 10% nhưng đến nay, con số cụ thể vẫn chưa được lượng hóa.

Ngoài ra, một chỉ tiêu nữa cũng cần phải giảm là cắt giảm đầu tư, bao gồm đầu tư của Nhà nước và đầu tư từ tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Liên quan đến yếu tố này, hiện mới chỉ có thông tin từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) rằng, kế hoạch tín dụng năm 2011 của VDB là 28 nghìn tỷ đồng, nếu giảm được 10% thì sẽ giảm 2,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo VDB khẳng định với Thống đốc là có thể giảm hơn thế, ở mức 3,5 nghìn tỷ đồng.

Một điều cần chú ý thêm với các tổ chức tín dụng, trong cơ cấu nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng thương mại có một tỷ trọng rất lớn từ dòng tiền ngân sách và từ các doanh nghiệp nhà nước. Nếu khu vực dòng tiền này bị thu hẹp, chắc chắn nguồn vốn của các ngân hàng thương mại sẽ bị ảnh hưởng theo.

Chống đỡ với rủi ro thanh khoản

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ phải “chặt chẽ, thận trọng” thì vấn đề đau đầu nhất hiện nay đối với các ngân hàng thương mại là không chỉ tìm đủ nguồn vốn để kinh doanh, mà nỗi lo rủi ro thanh khoản luôn thường trực.

“Đói thì đầu gối phải bò”, nhiều ngân hàng đã tìm mọi cách "chui lủi" huy động lãi suất vượt trần 14%/năm để gọi vốn, nhưng thời điểm này rất khó. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã công bố hai trường hợp ngân hàng vi phạm nên muốn “làm bậy” cũng khó. Chưa kể, một cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, để kiểm soát thị trường, cơ quan này đã thành lập các tổ đi kiểm tra nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Đồng thời, tổ còn sử dụng “tai mắt” hoặc “thám tử” mang tiền đi gửi, ngân hàng nào không chấp hành nghiêm sẽ bị… “sập bẫy”.

“Các ngân hàng bây giờ cũng rất… khôn! Họ cũng “buôn có bạn, bán có phường” nên thanh tra Ngân hàng Nhà nước đang kiểm tra một ngân hàng này thì họ sẽ thông tin cho ngân hàng bạn và dừng ngay việc huy động vượt rào”, ông này cho biết.

Giả  định, nếu “cực chẳng đã”, ngân hàng mất thanh khoản thì sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ như thế nào, nhất là trong thời buổi “thắt chặt hầu bao”? Thống đốc nói: “Dù không thể thỏa mãn 100% nhu cầu của họ nhưng Ngân hàng Nhà nước không bao giờ đóng tất cả các “van”. Nhưng cũng đừng vì thế mà ỷ lại, trong lúc này đừng nên nghĩ quá nhiều về lợi nhuận, mà hãy ưu tiên bảo vệ thanh khoản lên hàng đầu, theo hướng cơ cấu lại tín dụng và chất lượng tín dụng”.

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng tín dụng, hiện tại, trong kho dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có các bản tin về “thông tin tín dụng khách hàng, cảnh báo rủi ro” nhưng chỉ dành cho “người trong cuộc”. Trong khi đó, người dân, tổ chức đi gửi tiền vào ngân hàng không bao giờ biết đến “sức khỏe” của ngân hàng để “chọn mặt gửi tiền”.

Theo nhiều chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước nên công bố minh bạch một số thông tin cơ bản như hệ số an toàn, cơ cấu tín dụng, nợ xấu… của từng ngân hàng theo định kỳ. Đó là một trong những biện pháp hiệu quả, vừa chống lách trần lãi suất, vừa bảo vệ người gửi tiền, bởi không ai mang tiền gửi cho nhà băng có tình hình tài chính xấu.

Nhưng ở góc độ người gửi tiền, họ cũng phải hiểu một quy luật đơn giản của thị trường là “lợi nhuận cao, rủi ro cao”. Và nếu để lãi suất cao làm lóa mắt thì có ngày “mất cả gốc, lẫn củ” vì dù có gửi hàng chục tỷ đồng hay hơn thế thì mức bảo hiểm hiện không hơn 50 triệu đồng!