Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, Ả Rập chạy đua giành thị phần dầu mỏ tại nước tiêu thụ lớn nhất

Thu Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vương quốc dầu mỏ Ả Rập Saudi và Nga sẽ cạnh tranh gay gắt để giành thị phần tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và được dự báo sẽ chiếm gần 50% nhu cầu dầu thô trong năm 2023

Thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm gần 50% nhu cầu dầu thô trong năm 2023. Ảnh: Oilprice
Thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm gần 50% nhu cầu dầu thô trong năm 2023. Ảnh: Oilprice

Nhu cầu “vàng đen” của Trung Quốc ngày càng tăng khi nước này mở cửa trở lại sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch Covid-19. Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm nay. 

Trước viễn cảnh nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, 2 thành viên dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh Nga và Ả Rập Saudi (OPEC+) sẽ chạy đua để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này. 

Ả Rập Saudi, nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC, thường bán dầu thô theo các hợp đồng dài hạn, vì vậy thị phần của vương quốc dầu mỏ tại thị trường Trung Quốc được đảm bảo. Tuy nhiên, Nga, quốc gia đã xoay trục sang châu Á để bán dầu thô và nhiên liệu sau các lệnh cấm vận của phương Tây, đang tăng giá chiết khấu nhằm “lôi kéo” thêm nhiều khách hàng Trung Quốc, những người không tuân theo biện pháp trần giá dầu của G7.

Trong khi đó, Riyadh kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc bằng cách bất ngờ tăng giá bán nhiên liệu tới châu Á. Hồi tuần trước, vương quốc dầu mỏ đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng giá bán chính thức cho loại dầu thô chủ lực của nước này xuất sang châu Á, Mỹ và châu Âu vào tháng 3 tới. Theo đó, tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco đã nâng giá dầu thô Arab Light sang châu Á đối với các hợp đồng giao tháng 3 lên hơn 2 USD/thùng, tăng 0,2 USD/thùng so với mức trung bình của dầu chuẩn Dubai/Oman, mức chuẩn mà dầu của Trung Đông được định giá ở châu Á. 

Chuyên gia hàng hóa và năng lượng của Reuters Clyde Russell nhận định rằng những mức giá mới này không thể cạnh tranh với các thùng dầu giá rẻ của Nga và người mua Trung Quốc có thể lựa chọn yêu cầu khối lượng tối thiểu được phép từ Ả Rập Saudi theo các hợp đồng dài hạn.

Không chỉ Ả Rập Saudi lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu thô của Trung Quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 15/2 cũng nhận định, việc mở cửa trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ toàn cầu và Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% mức tăng nhu cầu dầu thô trong năm 2023.

Theo báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 1/2023 của IEA, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, lên mức kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày, trong đó gần một nửa mức tăng đến từ Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế chống Covid-19.

Theo dữ liệu của Refinitiv Oil Research, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua đã nhảy vọt lên 2,03 triệu thùng/ngày, tăng kỷ lục so với mức 1,52 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2022. Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Ả Rập Saudi đạt trung bình khoảng 1,77 triệu thùng/ngày trong tháng trước.

Ngoài ra, dữ liệu của Energy Aspects cho thấy, các công ty năng lượng quốc gia Trung Quốc, bao gồm PetroChina và CNOOC, đã mua thêm dầu thô của Nga trong thời gian gần đây và có thể tăng cường nhập khẩu từ Nga để đáp ứng nhu cầu với mức giá chiết khấu cao. Nếu Trung Quốc bắt đầu lấp đầy kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia, lượng dầu nhập khẩu từ Nga có thể tăng lên 2,5 triệu thùng/ngày, theo hãng tin Bloomberg.

Bên cạnh đó, Moscow đã chuyển phần lớn xuất khẩu dầu nhiên liệu và dầu chân không (VGO) sang châu Á và Trung Đông ngay cả trước khi lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực hôm 5/2 vừa qua. Và các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ bắt tay vào chế biến thành xăng và dầu diesel rồi xuất sang các thị trường đang khan hiếm nguồn cùng. 

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Ả Rập Saudi sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ Nga, một đối tác trong OPEC+, để giành thị phần tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.