Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga cảnh báo Hiệp ước START mới có nguy cơ không được gia hạn sau khi INF sụp đổ

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp quốc cho biết, Hiệp ước giữa Nga và Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược (START mới) hiện đang gặp rủi ro sau khi Mỹ rút khỏi INF.

Ngày 22/8, Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky nói rằng các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố họ không quan tâm đến việc gia hạn hiệp ước START mới ở định dạng hiện tại.
  Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky.
“Hiệp ước START mới hiện đang gặp rủi ro sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)”, ông Dmitry Polyansky phát biểu tại cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 22/8 được triệu tập theo đề nghị ​​của Nga và Trung Quốc sau các vụ thử tên lửa gần đây của Mỹ.
"Hiệp ước START mới sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và đang có nguy cơ không được Mỹ gia hạn khi các quan chức cấp cao trong chính quyền Washington nhiều lần khẳng định rằng họ không quan tâm đến việc tiếp tục duy trì thực hiện Hiệp ước START mới ở định dạng hiện tại", đại diện Nga tại LHQ nhấn mạnh.
"Từ tháng 8 này, sau khi Hiệp ước INF chính thức sụp đổ, hiện chưa có thỏa thuận nào để hạn chế nào việc phát triển và triển khai các hệ thống tên lửa hạt nhân tầm trung như vậy", ông Polyansky cho hay.
Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tuần qua thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình thông thường phóng từ mặt đất, đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được ký với Liên Xô năm 1987.
Hiệp ước START mới được Nga và Mỹ ký năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Thỏa thuận này quy định về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên để đến đầu năm 2018, tổng số vũ khí không được vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. Thời hạn có hiệu lực của Hiệp ước là 10 năm - đến năm 2021./.