Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga có sợ đòn trừng phạt của G5 ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, đại diện các nước G5 sẽ thảo luận về việc gia hạn lệnh trừng phạt Nga tại cuộc gặp ở Đức vào ngày 25/4.

Theo Thủ tướng Anh Helen Bauer, lệnh trừng phạt Nga cần được mở rộng trong tháng 6 và cuộc gặp đại diện các nước G5 (Mỹ, Anh, Đức, Italia và Pháp) là cơ hội để phương Tây thảo luận về vấn đề này. Sự đối đầu gay gắt giữa Nga và phương Tây trên một loạt hồ sơ nóng như Syria, Iran và nhất là Ukraine được là yếu tố tác động đến quyết định này của nhóm G5.
Lãnh đạo G5 sẽ bàn thảo về mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga.
Lãnh đạo G5 sẽ bàn thảo về mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga.
Trong bối cảnh sức khỏe tài chính Nga ít nhiều suy yếu do giá dầu lao dốc, lệnh trừng phạt của phương Tây có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, phạm vi và quy mô tác động của lệnh trừng phạt đang giảm dần do nền kinh tế Nga đã dần thích nghi và hình thành cơ chế phản vệ. 

Điển hình như thực phẩm - một trong những lĩnh vực được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất sau lệnh trừng phạt, các doanh nghiệp thực phẩm nội địa Nga đã cho thấy khả năng trụ vững trước "cơn bão trừng phạt". Theo biên tập viên Kenneth Raposa của tạp chí Forbes, "dù nước Nga không thể sản xuất phô mai brie hay cấy trồng một số loại trái cây, nhưng họ có khả năng đánh bắt nhiều hơn cá tuyết và gia tăng chăn nuôi gà tại các nông trang địa phương". 

​Bằng nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ, Nga đã giảm thiểu được tác động của đòn trả đũa cấm nhập khẩu nông sản châu Âu do Moscow áp dụng. Đồng thời thúc đẩy sản xuất gia cầm trong nước tăng trưởng 9%, tỷ lệ pho mát nhập khẩu trên thị trường Nga giảm từ mức 40,6% năm 2014 xuống còn 22% trong năm 2015. 

Đổi lại nông dân Liên minh châu Âu (EU) là những nạn nhân thiệt hại đầu tiên và nhiều nhất. Tình trạng nông dân biểu tình, đổ sữa, táo, rượu đầy đường hay kéo hàn ngàn chiếc máy cày chặn các ngả đường tới trụ sở của EU tại Brussels phần nào cho thấy sự bất lực và bất mãn của họ đối với chính sách trừng phạt mà Liên minh áp dụng với Nga. 

Có thể thấy rõ, dù phải xoay sở nhưng Nga vẫn có khả năng sống không cần tới châu Âu, nên đòn trừng phạt được duy trì và mở rộng của G5 chưa chắc đã làm khó cho Moscow. Nói như Tổng thống Nga V.Putin trong cuộc Đối thoại Marathon với người dân hồi đầu tháng, Điện Kremli sẽ không ngại mà đáp trả những đòn trừng phạt mới của phương Tây.