Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga - Iran xúc tiến lập cơ chế giao dịch riêng “né” lệnh trừng phạt của Mỹ

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Iran cho biết Tehran đang thảo luận về các hiệp ước tiền tệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Cộng hòa Azerbaijan, Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hôm 23/6 cho biết nước này đang đàm phán với một số quốc gia, bao gồm Nga, để phát triển các cơ chế tài chính riêng nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của chính quyền Mỹ đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
"Chúng tôi đã tiến hành đàm phán về các hiệp ước tiền tệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc, Cộng hòa Azerbaijan, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Chúng tôi đã ký thỏa thuận với một số quốc gia và sắp đạt được thêm thỏa thuận hơn với những nước khác", hãng thông tấn nhà nước Iran Fars news trích phát biểu của Ngoại trưởng Zarif.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22/6 nói rằng Washington sẽ tiếp tục siết chặt chính sách cô lập ngoại giao và tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran nhằm buộc chính quyền Tehran phải ngồi bào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của họ. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được tăng cường từ ngày 24/6.
Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm ngăn chặn xuất khẩu dầu của Iran.
Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký giữa Iran và 6 cường quốc, gồm Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pháp, vào tháng 7/2015.
Vào cuối năm 2018, Teheran đã bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT), ảnh hưởng đến quan hệ giao dịch giữa các doanh nghiệp Iran với các đối tác nước ngoài. Đến tháng 1/2019, Vương quốc Anh, Đức và Pháp - các bên còn lại tham gia ký kết JCPOA, đã ra mắt một phương tiện đặc biệt (SPV) được đặt tên là Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) để tạo điều kiện cho thương mại hợp pháp với Iran chống lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, hiện các cường quốc châu Âu vẫn chưa đưa ra cơ chế tài chính đặt biệt này.