Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga phát tín hiệu giảm mạnh sản lượng, giá dầu tăng vọt lên 34 USD

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng mạnh trong phiên 9/4 nhờ kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh sẽ cắt giảm sản xuất để tránh tái diễn tình trạng dư cung.

Những kỳ vọng về một thỏa thuận cắt giảm từ 10-15 triệu thùng dầu/ngày đã gia tăng sau khi truyền thông đưa tin Nga sẵn sàng giảm sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày.
Hãng tin TASS dẫn lời một đại diện của Bộ Năng lượng Nga cho biết Moscow đã đồng ý giảm 14% sản lượng khai thác dầu so với mức quý I/2020 theo thỏa thuận của OPEC và các quốc gia sản xuất dầu khác, còn được gọi là nhóm OPEC+.
 Giá dầu tăng mạnh trong phiên 9/4.
Theo thỏa thuận này, các nước khác cũng sẽ giảm sản lượng theo tỷ lệ tương ứng. Quan chức trên nhấn mạnh Nga sẵn sàng cắt giảm sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày.
Nếu đạt được thỏa thuận như vậy, mức cắt giảm nói trên sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ mức cắt giảm mà OPEC+ đã từng đạt được trước đây. Tuy nhiên, Nga khẳng định sẽ chỉ giảm sản lượng nếu Mỹ cũng tham gia thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu mỏ.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 3,7%, tương đương 1,22 USD lên mức 34,06 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 4,8%, tương đương 1,2 USD lên 26,29 USD/thùng sau khi có thời điểm trong phiên tăng lên tới 26,67 USD/thùng.
OPEC, dẫn đầu là Ả Rập Saudi, và các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, trong đó có Nga, sẽ có cuộc họp trực tuyến vào ngày 9/4, trong bối cảnh giá dầu đang chạm đáy trong 18 năm qua, do nhu cầu sụt giảm mạnh trước tác động của dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến về giá giữa Moscow và Riyadh.
Ngoài Nga, 7 quốc gia khai thác dầu lớn ngoài OPEC đã được mời tham dự cuộc họp trực tuyến thảo luận về chính sách sản lượng. Mỹ và Canada, những nước mà việc tham gia vào thỏa thuận cắt giảm đóng vai trò then chốt, đã không được mời tham gia. Ngoài ra, Argentina, Brazil, Na Uy, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Trinidad và Tobago có thể tham gia cuộc đàm phán này.
Các nhà đàm phán của OPEC+ không loại trừ khả năng sau thỏa thuận sơ bộ của liên minh này, họ sẽ có thể thuyết phục Mỹ tham gia giảm sản lượng khai thác.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối đàm phán về vấn đề cắt giảm sản lượng dầu với các nước khác.
Trước đó, hôm 7/4, một nguồn tin từ Nga đã đề cập đến việc nước này và Ả Rập Saudi không thể thống nhất về khối lượng dầu cắt giảm, dù hai bên nhất trí cần giảm khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường. Ngoài ra, cả Moscow và Riyadh đều yêu cầu đưa các nhà sản xuất dầu của Mỹ vào thỏa thuận.
Goldman Sach nhận định rằng đà giảm sốc về nhu cầu nhiên liệu hiện tại chỉ có thể được giải quyết thông qua việc OPEC+ thống nhất được việc cắt giảm nguồn cung.
Ngân hàng UBS dự báo ​​nhu cầu đối với dầu mỏ trong quý II sẽ sụt khoảng 20 triệu thùng/ngày, giảm 20% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá “vàng đen” đã lao dốc gần 50% kể từ đầu năm nay và nhu cầu dầu được dự đoán sẽ giảm 30%, giới phân tích đang hoài nghi về sự hiệu quả từ thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ đối với thị trường dầu mỏ.
Chuyên gia trưởng dầu mỏ Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy nhận xét: “Giá dầu mỏ chắc chắn sẽ phục hồi trong ngắn hạn nếu nhóm OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp hôm nay. Tuy nhiên, giá năng lượng nhiều khả năng lại suy yếu nếu thị trường lại tái diễn tình trạng dư cung”.
Sau cuộc họp của OPEC+ trong ngày 9/4, các bộ trưởng năng lượng của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 10/4 để tìm cách xoa dịu tác động của đại dịch Covid- đối với các thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo ông Lachlan Shaw - phụ trác nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng National Australia Bank, nếu G20 thảo luận về việc tăng cường các kho dự trữ chiến lược, thì điều đó sẽ tác động tích cực đến thị trường dầu./.