Theo đài RT, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25/10 đã lên tiếng phản đối lập trường của Washington về kế hoạch sử dụng “bom bẩn” của Kiev.
Theo quan chức Điện Kremlin, Nga khẳng định rằng Kiev có kế hoạch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây khác đã bác bỏ thông tin này. “Đây là cách tiếp cận mà theo tôi là không thể chấp nhận được trước mức độ nghiêm trọng của mối nguy hiểm chúng ta đang đề cập. Một lần nữa, chúng tôi nhấn mạnh mối nguy hiểm lớn nếu Ukraine triển khai các kế hoạch nước này đã định sẵn” – ông Peskov nói tại cuộc họp báo ngày 25/10.
Người phát ngôn Peskov cũng tuyên bố rằng việc phương Tây không tin vào kịch bản này không làm cho mối đe dọa trở nên bớt cấp bách hơn.
Phía Nga đã yêu cầu triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) để thảo luận về nguy cơ Ukraine sử dụng “bom bẩn”. Moscow trước đó đã thông báo vấn đề này với các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.
Ngày 23/10, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng đã bày tỏ lo ngại Ukraine có thể sử dụng “bom bẩn” trong cuộc xung đột hiện nay.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho rằng Ukraine muốn coi Nga là khủng bố hạt nhân bằng cách cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và do đó Ukraine có thể phát động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ.
Theo kênh RT, Nga đã thảo luận với Anh và Mỹ ở cấp tổng tham mưu trưởng về mối đe dọa Ukraine có khả năng sử dụng “bom bẩn”. Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov, đã nêu những lo ngại này của Nga trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley. Trước đó, ông đã có cuộc điện đàm tương tự với người đồng cấp Anh là Đô đốc Tony Radakin.
Ngay sau tuyên bố của Nga về "bom bẩn", Ukraine và các nước phương Tây đã liên tục bác bỏ những cảnh báo như vậy.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 24/10 cho biết ông đã có lời mời chính thức tới các thanh sát viên hạt nhân của LHQ để xác nhận một cách độc lập rằng Ukraine không có gì phải che giấu.
Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo sẽ cử các thanh sát viên tới 2 địa điểm hạt nhân của Ukraine. IAEA không nêu cụ thể đó là 2 địa điểm nào, nhưng Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 1 trong 2 địa điểm hạt nhân trên cách đây một tháng và mọi kết quả đều phù hợp với tuyên bố của Ukraine.
Ngày 23/10, Ngoại trưởng Mỹ, Pháp và Anh cho biết trong một tuyên bố chung sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra tuyên bố về “bom bẩn”: “Tất cả chúng tôi đều bác bỏ những cáo buộc sai lầm rõ ràng của Nga rằng Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn trên lãnh thổ của mình”.
Các nhà ngoại giao phương Tây nói thêm rằng Nga đang nỗ lực sử dụng cáo buộc này là cái cớ để leo thang.
Trong khi đó, hôm 24/10, điện đàm với người đồng cấp Ukraine Alexei Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, Washington bác bỏ cảnh báo của Moscow liên quan Kiev.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington không coi những cảnh báo của Moscow về khả năng Kiev sử dụng “bom bẩn” là chính đáng.
Trong một diễn biến mới nhất, tại cuộc họp Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng LHQ ngày 25/10, Phó giám đốc Cục kiểm soát không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga - ông Konstantin Vorontsov, cho biết Moscow tin rằng một số nước phương Tây có thể đang giúp Ukraine chế tạo bom bẩn, theo hãng tin Tass.
Ông Vorontsov nhấn mạnh: "Mục tiêu của họ rất rõ ràng. Họ cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây muốn cáo buộc đó sẽ khởi động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ, nhằm làm suy yếu niềm tin vào Moscow và các đối tác, dẫn đến việc Nga bị cô lập trên trường quốc tế”.
Theo ông Vorontsov, Ukraine đang chế tạo “bom bẩn” ở các địa điểm như nhà máy quặng miền Đông (TP Zhovti Vody, tỉnh Dnipropetrovsk) và Viện nghiên cứu hạt nhân (thủ đô Kiev). Quan chức ngoại giao Nga lưu ý thêm rằng phương Tây đang thỏa thuận với Ukraine về việc cung cấp nguyên liệu chế tạo “bom bẩn”.
Ông Vorontsov cho rằng Ukraine và phương Tây có kế hoạch cho nổ bom và ngụy trang chúng thành một vụ nổ hạt nhân công suất thấp mà Moscow gây ra.
Bom bẩn được làm bằng chất nổ và chất phóng xạ thông thường, được thiết kế để phát tán vật chất khi chúng phát nổ. Chất nổ trong một quả bom bẩn có khả năng gây hại cho con người hơn chất phóng xạ bên trong. Mục tiêu của sử dụng bom bẩn có thể không phải là hủy diệt tối đa, mà là một nỗ lực để gây sợ hãi và hoảng sợ, làm ô nhiễm xung quanh và gây tốn chi phí khi dọn dẹp.