Nga từ chối Ả Rập Saudi chỉ vì trả đũa Mỹ?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ chối cắt giảm sản lượng dầu với OPEC+, Moscow đối mặt sự đảo lộn quan hệ với Riyadh - có thể là một điều rủi ro, nhưng trước mắt thể hiện một chiến lược lợi ích linh hoạt.

Tổng thống Vladimir Putin có mối quan hệ tốt đẹp với Thái tử kế vị Mohammed bin Salman.

Trong hơn 3 năm qua, Tổng thống Vladimir Putin đã giữ Nga trong liên minh OPEC+, tạo liên kết với Ả Rập Saudi và các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để kiềm chế sản lượng dầu và hỗ trợ giá.
Điều này có lợi cho kho bạc của Nga, khi xuất khẩu năng lượng là nguồn thu lớn nhất của nhà nước. Liên minh cũng mang lại lợi ích chính sách đối ngoại nhất định, tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa Moscow với Hoàng gia Saudi thông qua Thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo mới của Vương quốc.
Tuy nhiên, thỏa thuận OPEC+ cũng đã hỗ trợ ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Nga rõ ràng không vui khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn sẵn sàng sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị và kinh tế. Moscow được cho càng đặc biệt khó chịu sau khi Washington sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt để ngăn chặn việc hoàn thành đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga tới châu Âu.
Và với quyết định từ chối cắt giảm dầu sâu hơn tại cuộc họp của OPEC+ hôm 6/3, Nga dường như đã chấp nhận bỏ qua giao hảo với Ả Rập Saudi, phần nào để ngăn chặn các nhà sản xuất đá phiến Mỹ - như một cách trừng phạt Washington vì đã gây rối với Nord Stream 2.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định, vai trò của dầu đá phiến Mỹ hiện nay đối với thị trường là không rõ ràng, đồng thời khẳng định Nga vẫn đang ở một vị trí tốt để chống lại sự sụt giảm giá dầu trong ngắn hạn.
Tại Ả Rập Saudi, nơi chính phủ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào dầu để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ, tác động kinh tế gần như sẽ thể hiện ngay lập tức. Theo ông Alexander Dynkin - Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế tại Moscow - cơ quan cố vấn của nhà nước Nga, đảo lộn quan hệ với Riyadh có thể là một điều rủi ro, nhưng đây là chiến lược lợi ích linh hoạt của Nga vào lúc này.
Một công đôi việc?
Thỏa thuận OPEC+ vốn đã là "cái gai" trong mắt không ít DN dầu khí Nga - những người vô tình bị kìm hãm đầu tư vào các dự án mới, có khả năng sinh lời. Chẳng hạn theo Bloomberg, Igor Sechin, ông chủ quyền lực của Rosneft và được cho có quan hệ thân cận với Tổng thống Putin, đã liên tục vận động hành lang nhằm chống lại thỏa thuận OPEC+. Tại cuộc họp cuối cùng của OPEC hồi tháng 12/2019, Nga đã đàm phán một vị trí cho phép nước này duy trì sản xuất khá ổn định, trong khi sản lượng của Ả Rập Saudi giảm mạnh.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tàn phá hoạt động kinh tế Trung Quốc vào đầu tháng 2 năm nay, kéo theo việc cắt giảm 20% nhu cầu dầu mỏ nơi khách hàng lớn nhất của Ả Rập Saudi, Riyadh đã cố gắng thuyết phục Moscow sớm tổ chức họp mặt OPEC+. Nga thẳng thừng nói không.
Quốc vương Salman và Tổng thống Putin sau đó đã có cuộc điện đàm, nhưng dường như không mang lại kết quả gì đáng kể. Khi các nhà phân tích dự báo 2020 sẽ là năm tồi tệ nhất đối với nhu cầu dầu mỏ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, do sự lây lan của virus, Saudi lại tiếp tục đặt hy vọng vào Nga cho một thắng lợi tại cuộc họp OPEC dự kiến vào đầu tháng 3. 
Tổng thống Putin - người đóng vai trò "trọng tài" trong chính sách OPEC+ của Nga kể từ khi liên minh bắt đầu vào năm 2016 - đã gặp các nhà sản xuất dầu mỏ và bộ trưởng quan trọng của Nga vào Chủ nhật tuần trước. Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, cuộc gặp này đã đưa ra phương thức "hợp lý hóa" cách tiếp cận của Nga, khi đề nghị Mỹ cùng cắt giảm sản lượng dầu.
Và cuối cùng, trước lời đề nghị hỗ trợ cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày của Ả Rập Saudi tuần này, Nga không nhúc nhích. Thậm chí Tổng thống Putin được cho đã từ chối tham gia cuộc họp hôm 6/3, "mở đường" cho Bộ trưởng Năng lượng Nga phủ quyết một cách mạnh mẽ hơn.
"Nếu bạn luôn nhượng bộ đối tác, bạn không còn là đối tác nữa...", đại diện truyền thông của Rosneft đánh giá về sự đổ vỡ trong thỏa thuận mới.
Bob McNally - Chủ tịch của Rapidan Energy Advisors và là cựu nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lưu ý: "Giá dầu sẽ ổn định chỉ khi Moscow hoặc Riyadh ngừng cuộc thi sức bền. Cơ chế ngoại giao của nhóm OPEC+ vẫn cần được áp dụng, giữ cho cánh cửa mở trong trường hợp 2 bên quyết định tái hợp".