Giới chuyên môn cho rằng, trong bối cảnh phim tài liệu Việt ít cơ hội đến với công chúng, ít khán giả, thì đây là một điểm hẹn để người làm phim Việt nhận ra mình và con đường mình cần đi phía trước.
Không thiếu phim Việt
Sau 5 kỳ LHP thu hút trên 25.000 lượt khán giả, LHP lần này (diễn ra từ 4 - 12/6 tại Hà Nội và từ 21 - 28/6 tại TP Hồ Chí Minh) có sự góp mặt của 22 phim đến từ 9 quốc gia châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Áo, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Bungari, Anh, Ba Lan) và 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều đó khẳng định sức sống của phim tài liệu như thông điệp "Một quốc gia không có phim tài liệu, giống như một gia đình không có album ảnh".
Các kỳ LHP trước, mỗi buổi thường chiếu một phim Việt và một phim châu Âu cùng đề tài nhằm giúp khán giả so sánh cách tiếp cận, khai thác, trình độ, mức đầu tư… của 2 phim. Tuy nhiên, điều này gây khó cho Ban Tổ chức khi chọn tác phẩm, nên "Thay vì phải lật tung kho tìm phim cũ phù hợp đề tài, mùa này, chúng tôi chọn các phim mới sản xuất có chất lượng nhằm khuyến khích những người trẻ làm nghề" - bà Phạm Thị Tuyết - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu Việt Nam cho biết. Và 9 sản phẩm mới được chọn, trong đó có: "Động đất", "Người giữ lửa", "Không thể vượt qua chính mình", "Đỉnh A Mú Sung", "Hai khía cạnh cuộc đời", "Dẫu nẻo về còn xa"… Có nghĩa là phim tài liệu Việt không phải "mỏi mắt tìm" không thấy.
Chưa hấp dẫn
Phải thừa nhận chỉ những kỳ cuộc như thế này, phim tài liệu mới có cơ hội gặp khán giả. Lý do đã được người làm phim trong nước đưa ra nhiều lần: Không có rạp chiếu, không được quảng bá, thiếu sự quan tâm… Nhưng một lý do quan trọng mà rất nhiều người khi được hỏi đều trả lời rằng phim tài liệu Việt chưa hấp dẫn.
Như Lệ Hồng - sinh viên Đại học Ngoại thương chia sẻ: "Em chưa bao giờ xem phim tài liệu ở nhà vì thấy đều đều, không có kịch tính. Nếu cảm thấy yêu thích nhân vật lịch sử nào đó như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoặc phải tìm hiểu sự kiện, vấn đề gì thì em vào mạng tìm. Tuy nhiên, em thích phim tài liệu của châu Âu vì cảnh quay đẹp, cốt truyện dễ hiểu, không mang nặng tính thông tin". Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao các LHP tài liệu châu Âu tại Việt Nam luôn đông khán giả, mà phim tài liệu Việt lại vắng người xem.
Vậy là không phải khán giả quay lưng với phim tài liệu, mà những bộ phim "nói thật" của ta chưa đủ sức hấp dẫn. Phim tài liệu Việt từng có một thời vang bóng, khán giả chen chân xếp hàng mua vé, như thời "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy khởi chiếu ở rạp. Nhưng giờ, phim tài liệu không thể tìm thấy chỗ trên màn ảnh rộng, vì phần lớn phim "quá tải" lời bình, hình ảnh chưa đủ sinh động.
Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ, hành trình từ một ý tưởng đến triển khai sản xuất một bộ phim tài liệu đầy gian nan, nhưng trước khi biện minh vì hoàn cảnh, đội ngũ các tác giả nên tự soi xét chính mình. Đề tài loanh quanh, cách thể hiện đi vào lối mòn chính là nguyên nhân khiến phim tài liệu Việt kém hấp dẫn. Trong khi đó, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, rất nhiều đề tài hay liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày như: Sự thay đổi lối sống, du nhập các luồng văn hóa mới… thì không ai khai thác. Chính vì vậy, phim tài liệu mất dần khán giả, dẫn đến không có quảng cáo và nguồn thu, nên ít người theo đuổi đến cùng sự đam mê.
Tất nhiên, có nhiều lý do khiến phim tài liệu Việt "vắng khách", nhưng cách làm phim là điều cốt lõi - điều rút ra từ sân chơi phim tài liệu. Điều bà Phạm Thị Tuyết nói rất có lý: Việc khuyến khích, tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ, giao lưu, học hỏi cách làm phim tiên tiến của thế giới sẽ là trợ lực để phim tài liệu Việt Nam khởi sắc. Mong VTV sớm có "giờ vàng" chiếu phim tài liệu như phim truyện để tạo thói quen xem phim cho khán giả. Chính mảnh đất đó cũng sẽ hối thúc các nhà làm phim vào cuộc.
Cảnh người cựu binh chữa xe trong phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy.
|